Diễn đàn có chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh tạo đột
phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045.”
Đồng chủ trì Phiên toàn thể của Diễn đàn có các đồng chí: Ủy viên Bộ
Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Công
Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh
Hùng; bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông
Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan
liên quan tổ chức, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW,
ngày 17/11/2022 tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đầt nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
2045" (Nghị quyết số 29-NQ/TW), đánh giá tình hình triển khai thực hiện
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về "Một số chủ trương, chính sách chủ
động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" và Nghị quyết số
23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về "Định hướng xây dựng chính sách công nghiệp quốc
gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Tại Diễn đàn, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày những nội dung
chủ yếu trong dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết
29-NQ/TW; lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình bày báo cáo về thúc đẩy
chuyển đổi số trở thành phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình
công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam...
Trong khuôn khổ phiên Toàn thể cấp cao, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương
và địa phương, doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham
gia Tọa đàm cấp cao, tập trung vào các nhóm nội dung lớn như: (i) Tháo gỡ các
rào cản, vướng mắc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và
chuyển đổi lao động ở Việt Nam; (ii) Sự tham gia của quốc tế trong quá trình
chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi lao động ở Việt Nam; (iii) Hoàn
thiện cơ chế, chính sách cụ thể hóa các chủ trương, đường lối về công nghiệp
hóa, hiện đại hóa, về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
như hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới
sáng tạo, công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù; các chiến
lược, chương trình quốc gia, đề án liên quan về công nghiệp hóa, hiện đại hóa
…; (iv) Trao đổi, thảo luận các nội dung trọng tâm nhằm xây dựng và thực hiện
Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự cường gắn với
quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trên cơ sở kết quả Diễn đàn, Ban Kinh tế Trung ương sẽ ghi nhận, tiếp thu
tối đa tất cả các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý cũng như nghiên cứu đầy đủ
các tài liệu, các tham luận, báo cáo chuyên đề liên quan để tổng hợp, chắt lọc
để phục vụ công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát triển khai thực Nghị quyết số
29-NQ/TW, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Xây dựng một Chính phủ có đủ năng lực quản trị phát
triển trong thời đại số
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đang sống
trong một kỷ nguyên mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão và thực sự đang
bước vào giai đoạn phát triển mới với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ
tư. Trong thời gian vừa qua, với việc chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng mới dựa
trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm bớt sự phụ thuộc vào những
lợi thế cạnh tranh cũng như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ,
kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước phát triển mới, nhiều thành quả.
Chủ trương phát triển dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng
tạo và các thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được Đảng, Nhà nước
khẳng định trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nêu rõ trong
Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2045", trong đó xác định công nghiệp chế tạo, chế biến là
then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thủ tướng nghe các đơn vị giới thiệu về ứng dụng
công nghệ tại Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0
Theo Thủ tướng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có chuyển
đổi số và tăng trưởng xanh đã tác động toàn diện, sâu sắc đến công nghiệp hóa,
hiện đại hóa ở Việt Nam trên các lĩnh vực với những khía cạnh chủ yếu.
Một là, thế giới được số hóa, kết nối số mọi lúc, mọi nơi, kết hợp thế giới thực với thế giới ảo. Do đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ diễn ra cả trong môi trường thực và môi trường ảo (vì vậy, chuyển đổi số là yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết của các cấp, các ngành và toàn xã hội).
Hai là, CMCN lần thứ tư có quy mô và tốc độ phát triển chưa có tiền lệ,
làm thay đổi lực lượng sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp hóa, hiện đại
hóa sang giai đoạn mới: Thâm dụng tri thức và đột phá đổi mới sáng tạo; mở ra
nhiều cơ hội cho chúng ta "bắt kịp", "đi cùng" và "vượt
lên" ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.
Ba là, CMCN lần thứ tư có phạm vi tác động bao trùm, toàn diện, hình
thành các quan hệ sản xuất mới, các mô hình kinh doanh mới, tạo sự chuyển dịch
các dòng vốn, công nghệ, lao động, nhất là chuyển đổi xanh-phát triển bền vững;
thúc đẩy xã hội hóa, quốc tế hóa cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, đòi
hỏi công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mỗi nước phải đặt trong chuỗi giá trị
toàn cầu.
Theo Thủ tướng, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ
nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài, vừa
tổng thể, vừa bao trùm. Đối với Việt Nam, ý thức rõ về cơ hội và yêu cầu, Chính
phủ đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển mà trước hết, không ngừng nỗ lực
để tiếp tục xây dựng một Chính phủ có đủ năng lực quản trị phát triển trong thời
đại số. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội đã có những thay đổi từ nhận
thức đến hành động để tận dụng cơ hội và thích ứng với thách thức của thời đại
số, tăng trưởng xanh.
Vừa qua, chuyển đổi số ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Thể
chế cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số đang từng bước
được hoàn thiện. Chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính nhà nước đã có
nhiều kết quả tích cực. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến rõ
rệt, với gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch
vụ công quốc gia. Các cơ sở dữ liệu làm nền tảng để triển khai xây dựng Chính
phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được thúc đẩy triển khai, kết nối, chia sẻ
phục vụ xây dựng Chính phủ số.
Sớm ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết
29
Thủ tướng trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sâu sắc
và nhiều khuyến nghị chính sách, giải pháp đẩy nhanh thực hiện công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, chỉ ra cơ hội và thách thức của các chuyên gia, nhà quản lý trong
nước, quốc tế tại Diễn đàn.
Chia sẻ thêm một số nội dung, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết bám sát các yêu cầu của Nghị quyết 29, Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cho từng cấp, ngành, cơ quan đơn vị để thực hiện cho được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2030 tập trung chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng mạnh
mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc CMCN lần thứ
tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các
ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất,
hiệu quả, bền vững. Chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng
lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp; cơ cấu
lại các ngành nông nghiệp và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công
nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng
cao, đẩy nhanh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong giai đoạn 2031-2045, tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hóa
và đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và
đời sống xã hội.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi
xanh, tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao
năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để thực hiện điều này, cần thực hiện có hiệu quả "Chương trình Chuyển
đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Quyết định số
749/QĐ-TTg) để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chuyển đổi số phải mang lại kết quả thực chất, những giá trị thiết thực
cho phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, thực hiện có hiệu quả phương châm đã
đề ra cho năm 2023 là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị
mới" và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác
thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến
năm 2030.
Cùng với đó, đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu
quả Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số. Xây dựng và triển khai Chiến
lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045. Xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số; thúc đẩy phát triển các sản
phẩm, dịch vụ mới, chính sách xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp công nghệ số.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung
ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại diễn đàn
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh
giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Triển
khai tích cực, hiệu quả các nội dung của Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối
tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các đối tác quốc tế, tận dụng tối
đa hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, quản trị, đào tạo
nhân lực, cung cấp tài chính, coi JETP là giải pháp quan trọng cho quá trình
chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam; thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII đã
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tiến tới giảm và cân bằng phát thải theo
các cam kết của Việt Nam tại COP26, COP27.
Nhiệm vụ thứ ba được Thủ tướng chia sẻ là xây dựng nền công nghiệp quốc
gia vững mạnh, tự lực, tự cường. Theo đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công
nghiệp; thực hiện điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp của
vùng, địa phương theo hướng gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành
lang kinh tế trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, lợi thế của từng
vùng, bảo đảm tính chuyên môn hóa cao, tăng cường tính liên kết nội vùng và
liên vùng; hình thành các vùng công nghiệp, vành đai công nghiệp, cụm liên kết
ngành công nghiệp, khu công nghiệp, trọng tâm là hình thành các cụm liên kết
ngành công nghiệp.
Thứ tư, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu
công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới
sáng tạo góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực
hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Việt Nam là quốc gia đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo
trong 12 năm liền và tiếp tục được WIPO coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới
sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, với xuất phát điểm
chậm hơn nên hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn có
khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng khẳng định: Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế
thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường
và thông lệ quốc tế. Đồng bộ hóa các quy định, quy chế, chính sách có liên
quan; có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các
nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới
sáng tạo; khuyến khích đặt hàng, công nhận sản phẩm, dịch vụ mới để tạo niềm
tin cho thị trường. Xây dựng và triển khai các chính sách xây dựng hệ thống đổi
mới sáng tạo quốc gia, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tăng cường ứng dụng
các công nghệ mới, công nghệ sạch, đổi mới sáng tạo nâng cao trình độ và năng lực
công nghệ để sản xuất sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực, trọng điểm của ngành,
lĩnh vực, địa phương. Xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế
hệ trẻ.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy từ quản lý sang kiến tạo phát
triển; tạo đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng
Thứ năm, đổi mới tư duy, tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể
chế, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi
thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực
bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân". Cần tiếp tục đổi
mới mạnh mẽ tư duy từ quản lý sang kiến tạo phát triển, kịp thời giải quyết những
vấn đề thực tiễn đang đặt ra với tầm nhìn, chiến lược dài hạn để dẫn dắt, định
hướng phát triển.
Cùng với đó, đẩy nhanh việc hoàn thiện pháp luật, nhất là pháp luật
chuyên ngành phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc
thù; xây dựng lộ trình, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho thực hiện chuyển
đổi năng lượng xanh, bền vững, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn
Mạnh Hùng chia sẻ tại Diễn đàn
Thứ sáu, tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ
tầng chiến lược tạo động lực cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng nêu rõ, phải đa dạng hóa nguồn lực,
tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Đẩy
nhanh tiến độ một số công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành
giao thông vận tải, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, nhất là hệ thống
đường cao tốc đạt mục tiêu 5.000 km vào năm 2030, đường sắt tốc độ cao, sân
bay, cảng biển, hạ tầng điện, viễn thông...
Thứ bảy, nhanh chóng thể chế hóa quan điểm nguồn lực trong nước là cơ bản,
chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá;
doanh nghiệp trong nước là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò
quan trọng, đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng nêu rõ, nguồn lực bên trong gồm con người, thiên nhiên và truyền
thống văn hóa lịch sử, nguồn lực bên ngoài gồm nguồn vốn, công nghệ, quản trị,
đào tạo nhân lực…
Theo đó, cần xây dựng và triển khai định hướng phát triển một số tập đoàn
kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn,
hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột
trong một số lĩnh vực quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp,
viễn thông, kết cấu hạ tầng...
Tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp
nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, có đủ năng lực thực
hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt.
Khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư
nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ
cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá
trị trong nước và quốc tế.
Tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập
đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp trong nước trong phát triển chuỗi cung ứng của
các ngành công nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc
mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển.
Thứ tám, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân,
giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu
quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho
phát triển đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa
theo hướng tự lực, tự cường dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới
sáng tạo gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển,
cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia trong và ngoài nước
để tìm ra các giải pháp, các chính sách phù hợp trong bối cảnh khoa học, công
nghệ ngày càng tiến bộ vượt bậc và lan tỏa nhanh chóng.
Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tích cực đồng hành và hợp tác với các quốc
gia và tổ chức quốc tế để đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, tăng cường tăng trưởng
xanh, cùng thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm mang lại hòa
bình, thịnh vượng chung cho các dân tộc trên thế giới.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng nêu rõ, là nền kinh tế phát triển năng
động, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng
cường, thịnh vượng, trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại,
thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến năm 2045 trở thành nước phát triển,
thu nhập cao.
Đảng, Nhà nước Việt Nam rất coi trọng, xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước; là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Việt Nam có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tiếp cận và hưởng lợi từ
CMCN lần thứ tư, như có cơ cấu dân số trẻ, ham học hỏi, năng động, sáng tạo, hạ
tầng cho công nghệ số hóa phát triển nhanh, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn
thiện. Vì vậy, dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực nhưng đây thực
sự là cơ cơ hội để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh,
thịnh vượng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, mang lại hạnh phúc, ấm no
cho nhân dân.
Thủ tướng đề nghị, sau Diễn đàn này, các cấp, các ngành, các địa phương,
cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực, biến khát vọng thành việc làm và hành động
cụ thể để tiếp tục phấn đấu và đạt được những bước tiến mới góp phần đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo BCP