Theo Sở GTVT TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành (trong đó: 132 tuyến buýt trợ giá; 08 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 02 tuyến City tour); Tổng số có 11 đơn vị khai thác vận hành thực hiện 132 tuyến buýt trợ giá (trong đó 122 tuyến đấu thầu và 10 tuyến đặt hàng); Số phương tiện xe buýt trợ giá là 2.034 xe với 277 xe sử dụng năng lượng sạch. Hiện nay, 132 tuyến buýt trợ giá phục được 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%); 512/579 xã, phường, thị trấn (đạt 88,4%).

Sở GTVT TP Hà Nội cho rằng, mạng lưới phát triển rộng khắp phục vụ người dân đi lại, cùng với đường sắt đô thị trở thành phương tiện giao thông đi lại nòng cốt trong đô thị; nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích cho người dân tham gia. Hình thức vé đa dạng với nhiều đối tượng khác nhau, xe buýt xanh, sạch thân thiện với môi trường bước đầu đã được triển khai; chất lượng đoàn xe được nâng cao, chủng loại xe hoạt động đa dạng phù hợp với điều kiện hạ tầng khu vực; thông tin về mạng lưới phục vụ người dân được kịp thời…

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Kinh phí trợ giá vẫn ở mức cao (đặc biệt là giai đoạn 2020- 2022); Thời gian, tốc độ di chuyển buýt vẫn còn chậm; tỷ lệ người dân tham gia vẫn chưa đáp ứng được mong muốn; một số cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới phương tiện cho doanh nghiệp vẫn còn khó tiếp cận…


Hiện nay số lượt đi lại của hành khách sử dụng vé tháng chiếm trên 80% tổng sản lượng khách đi xe buýt ở Hà Nội. Chính sách miễn phí và hỗ trợ khuyến khích đối với các đối tượng sử dụng dịch vụ Vận tải Hành khách Công cộng bằng xe buýt hiện nay là tương đối phù hợp.

Tuy nhiên, cơ cấu vé và giá vé hiện nay chưa phù hợp với sự phát triển của mạng lưới tuyến. Tại thời điểm điều chỉnh giá vé năm 2014 mạng lưới tuyến có 72 tuyến và nhánh tuyến chưa phủ rộng khắp 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội, tuyến có cự ly dài nhất là 49,9 km. Đến nay tại sau 9 năm thì mạng lưới các tuyến buýt có 132 tuyến phủ rộng khắp 30/30 quận, huyện, thị xã, tuyến cự ly dài nhất 61,05 km.

Theo Sở GTVT TP Hà Nội, giá vé hiện nay của các tuyến có cự ly từ 30km đến 60km có mức giá như nhau là chưa phù hợp với cự ly di chuyển của hành khách. Giá vé xe buýt hiện nay rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân kể cả người lao động có thu nhập thấp, do vậy việc xây dựng lại cơ cấu vé và giá vé xe buýt là phù hợp trong giai đoạn này.

Ngoài ra, chi phí cho hoạt động Vận tải Hành khách Công cộng bằng xe buýt tăng cao. Đơn giá vận hành 1km trung bình của 3 loại xe buýt thông thường là 21.080 đồng (tương đương tăng 46,95% so với năm 2014).

Bên cạnh đó đơn giá vận hành 1km cho các loại hình xe buýt năng lượng sạch cũng cao hơn nhiều so với loại buýt thường, cụ thể là buýt điện là 27.929 đồng (tăng 62% so với buýt thường năm 2014); Buýt CNG là 21.821 đồng (tăng 48,6% so với buýt thường năm 2014).


Theo thông tin từ một số khảo sát, khả năng chi tiêu tối đa cho nhu cầu đi lại khoảng 10%. Vì vậy khả năng chi trả trung bình cho nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội hiện nay khoảng trên 800.000 đồng/tháng nên việc điều chỉnh giá vé xe buýt hiện nay là phù hợp và không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân.

Việc tăng giá vé xe buýt còn tạo điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng vùng phục vụ thu hút tối đa người dân đi lại bằng xe buýt và tạo động lực đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố. Tăng thu ngân sách nhà nước, tạo điều kiện đầu tư đổi mới phương tiện; chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh

Giá vé đề xuất điều chỉnh vẫn đảm bảo nhóm người có thu nhập thấp có thể tham gia phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt; tiếp tục duy trì chính sách ưu tiên học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tạo điều kiện đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho xe buýt, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng vùng phục vụ để người dân lựa chọn phương tiện xe buýt cho nhu cầu đi lại trên địa bàn thành phố nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

KT & SGTVT