Theo thông tin do Tổng cục Hải quan công bố mới đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 700 tỷ USD vào ngày 15/12. Đáng chú ý, Việt Nam vượt qua các nước phát triển trong khu vực để đứng vị trí thứ 2 trong khối ASEAN.

Đứng thứ 2 khu vực

Theo Tổng cục Hải quan những năm qua, xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về mặt quy mô và tốc độ. Tổng trị giá xuất nhập khẩu kim ngạch trong 20 năm (giai đoạn 2002-2021) đạt con số 5.146 tỷ USD. Riêng 10 năm (2012-2021), tổng kim ngạch đạt 4.110 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần của 10 năm về trước cộng lại.

Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, sự phối kết hợp chặt chẽ, tích cực giữa các bộ, ngành, các hiệp hội ngành nghề cùng với các tỉnh, thành phố và nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp, trong 2 thập kỷ qua xuất nhập khẩu liên tiếp đạt các mốc quan trọng.

Năm 2001 là năm đầu tiên của thế kỷ 21 ghi nhận ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD. 6 năm sau (năm 2007), cán mốc 100 tỷ USD, sau khiViệt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Năm 2011 ghi nhận kim ngạch tăng gấp đôi, đạt 200 tỷ USD. Trong 4 năm tiếp theo, xuất nhập khẩu Việt Nam cán mốc 300 tỷ USD (năm 2015).

Cột mốc 400 tỷ USD được ghi nhận vào giữa tháng 12/2017 và cột mốc 500 tỷ USD được thiết lập vào giữa tháng 12/2019, cột mốc 600 tỷ USD được lập vào ngày 30/11/2021.

Và mốc mới 700 tỷ USD sẽ được ghi nhận vào ngày 15/12/2022 (tính đến ngày 14/12/2022, đạt 698,5 tỷ USD).

Theo WTO, năm 2006 Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu hàng hóa và xếp 44 về nhập khẩu hàng hóa.

Hơn 10 năm, đến năm 2018, Việt Nam đã có bước tăng trưởng ấn tượng xếp 26 về xuất khẩu và 23 về nhập khẩu. Theo đó, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới.

 

Đáng chú ý, năm 2021, Tổ chức Thương mại thế giới ghi nhận xuất khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới và nhập khẩu của Việt Nam xếp hạng 20.

Trong ASEAN, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cùng đứng thứ 2 (chỉ sau Singapore).

Với kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa ấn tượng ghi nhận trong năm 2022, thứ hạng xuất khẩu nhập của nước ta có thể được nâng cao trên phạm vi toàn cầu.

Cán cân thương mại đảo chiều

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư (xuất siêu) liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu).

Từ năm 2011 trở về trước, Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục với con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, thâm hụt lớn nhất được ghi nhận lên đến 18,02 tỷ USD trong năm 2008.

Từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại đổi chiều, chuyển sang thặng dư (xuất siêu) liên tục (trừ năm 2015, có mức thâm hụt 3,55 tỷ USD).

Năm 2020, thương mại hàng hóa của nước ta đã đạt kỷ lục với con số thặng dư lên tới 19,94 tỷ USD.

Kết thúc năm 2021, thặng dư thương mại giảm mạnh nhưng vân đạt 3,32 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm 2022, với sự gia tăng quy mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã tăng cao trở lại, đạt 10,68 tỷ USD.

Đa dạng hóa thị trường

Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại rộng khắp với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, tập trung vào các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN…

Về xuất khẩu, nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường lớn nhất trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất.

Từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu sang Hoa Kỳđạt 101 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc đạt 109,46 tỷ USD, tăng 10% (tương ứng tăng 9,93 tỷ USD).

Như vậy, 11 tháng qua, xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhập khẩu từ Trung Quốc đều vượt ngưỡng 100 tỷ USD, đạt mức kỷ lục từ trước tới nay.

Để đạt được những kết quả nêu trên, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh việc cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính… qua đó tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Thái Bình - BHQ