Số liệu thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng đơn đặt hàng từ các nước có nền công nghiệp đóng tàu thuộc hàng top thế giới đang gia tăng một cách mạnh mẽ. Cụ thể:

Mới đây trong một báo cáo của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết các đơn đặt hàng mới của các hãng đóng tàu Hàn Quốc trong nửa đầu năm nay đạt mức kỷ lục trong 13 năm qua, giữa bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy trao đổi thương mại toàn cầu phục hồi vừa phải từ sau đại dịch COVID-19. Theo Bộ trên, các hãng đóng tàu ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á với đầu tàu là hãng Hyundai Heavy Industries, đã giành được lượng đơn đóng tàu mới với tổng trị giá 26,7 tỷ USD, tương đương với 10,88 triệu tấn tổng hợp bù (CGT) trong giai đoạn nửa đầu năm nay.

Theo đó, lượng đơn đặt hàng đóng tàu mới trong sáu tháng đầu năm nay đã tăng tới 724% so với cùng kỳ năm ngoái, và là lượng đơn đặt hàng lớn nhất kể từ năm 2008 khi ngành công nghiệp đóng tàu bùng nổ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngoài ra, trong sáu tháng đầu năm nay, lượng đơn mới của các hãng đóng tàu Hàn Quốc chiếm tới 44% tổng lượng đơn đặt hàng đóng tàu toàn cầu.

Còn Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết, ngành đóng tàu của nước này ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021. Cũng theo bộ này, ngành đóng tàu đã hoàn thành việc đóng các con tàu với tổng trọng lượng hơn 20,92 triệu tấn (dwt) từ tháng 1-6/2021, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thời gian này, số đơn đặt hàng mới mà các công ty đóng tàu của nước này nhận được đã tăng 206,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng cộng 38,24 triệu dwt.

Vào cuối tháng 6/2021, ngành đóng tàu của Trung Quốc đã nhận được các đơn đặt hàng lên tới 86,6 triệu dwt, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc có ngành đóng tàu hàng đầu thế giới, chiếm 44,9% trọng tải của ngành đóng tàu toàn cầu và chiếm 51% tổng số các đơn đặt hàng mới trên toàn thế giới trong nửa đầu năm 2021

Kinh tế biển phát triển tạo động lực cho phát triển các loại tàu dân sự

"Kinh tế biển" là một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền công nghiệp đóng tàu trong nhiều năm trở lại đây khi các nước đẩy mạnh các chính sách nhằm hỗ trợ để vận tải biển trở thành kênh lưu thông hàng hóa chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống logistics.

Các hãng đóng tàu ở các nền kinh tế lớn trên thế giới không chỉ tập trung cho sản xuất các loại tàu quân sự mà cũng đã dần chuyển dịch sang sản xuất các loại tàu dân sự, chẳng hạn như ở thị trường Nga, Báo cáo thị trường ngành đóng tàu Nga vào năm 2020 cho biết đã tăng giá trị 67%, lên 230 tỷ rúp (gần 3 tỷ 126 triệu USD). Tổng trọng tải các tàu được bàn giao tăng 59%. Hơn 40% tổng giá trị của các tàu đã đóng là các tàu phá băng và tàu trọng tải lớn.

Nga đã cho nghiên cứu và việc chế tạo thành công tàu phá băng nguyên tử "Arktika" công suất 60 MW, tàu phá băng diesel-điện "Viktor Chernomyrdin" công suất 25 MW và tàu chở dầu "Vladimir Monomakh" (loại Aframax) với trọng tải 114 nghìn tấn đã hoàn thành. Ngoài ra, các loại tàu dân dụng của Nga cũng có tàu chở hàng khô, xà lan và tàu chuyên dụng. Theo kế hoạch của Bộ Công Thương Nga đến năm 2035 dự kiến sẽ đóng hơn 1.000 tàu các loại".

Còn tại Các hãng đóng tàu xứ Kim chi các loại tàu chở container, tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và tàu thân thiện với môi trường cũng đang chiếm 1 tỷ trọng khá lớn trong các đơn đặt hàng. Trong giai đoạn tháng 1-6/2021, các hãng đóng tàu Hàn Quốc đã giành được 16 đơn đóng tàu chở LNG và nhận được 81 đơn hàng tàu chở container cỡ lớn do nhu cầu vận chuyển hàng hóa thế giới tăng cao./.

Phú Nguyễn