Theo Tờ Nikkei thông tin, Công ty kỹ thuật Nhật Bản JGC Holdings mới đây thông báo về kế hoạch thương mại hoá loại pin mặt trời cấu tạo bởi vật liệu perovskite có khả năng uốn cong và sử dụng để lắp đặt cho các bề mặt cong chẳng hạn như bể chứa hóa chất, các bức tường không phẳng hay những toà nhà có mái vòm.

JGC Holdings sẽ sử dụng loại sản phẩm được phát triển bởi EneCoat Technologies - 1 công ty khởi nghiệp thuộc Đại học Kyoto nơi mà JGC có nắm giữ cổ phần.

So với các loại pin mặt trời phổ biến hiện nay thường được sản xuất theo công nghệ silicon tinh thể (c-Si) hoặc pin mặt trời màng mỏng thì loại Pin mặt trời thế hệ tiếp theo - Pin mặt trời perovskite được coi là là yếu tố thay đổi cuộc chơi có thể tạo ra năng lượng ở mọi nơi.

Với trọng lượng chỉ vào khoảng 1/10 pin mặt trời silicon, pin làm từ vật liệu perovskite có thể được lắp đặt ở những nơi không phù hợp với các tấm pin mặt trời hiện có.

Theo JGC Holdings cho hay, bước đầu tiên công ty này sẽ thử nghiệm loại pin mặt trời perovskite trên nóc một nhà kho ở Tomakomai, Hokkaido vào năm tới. Và kế hoạch vào năm 2026 sẽ bắt đầu sản xuất điện ở quy mô lớn với doanh thu lên tới hàng chục tỷ yên dự báo đến năm 2030.

JGC dự định thuê không gian trên mái và tường nhà kho hoặc nhà máy của các công ty khác và lắp đặt thiết bị pin mặt trời để cung cấp điện. Lượng điện tạo ra sẽ được bán với giá cố định theo hợp đồng dài hạn. Năng lượng sẽ được sử dụng bởi các nhà máy và nhà kho hoặc truyền qua lưới điện tới những người tiêu dùng khác.

Mặc dù chính phủ Nhật bản đã có những chương trình nhằm khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời từ năm 2012 song cho tới nay sản xuất điện mặt trời vẫn còn khá khiêm tốn do thiếu và khan hiếm các trang trại năng lượng mặt trời quy mô lớn. Sản xuất pin mặt trời sử dụng vật liệu Perovskite hứa hẹn sẽ giúp mở rộng đáng kể các lựa chọn lắp đặt, có khả năng giúp thúc đẩy sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của Nhật bản nhanh hơn.

Mặc dù vậy vấn đề về chi phí sản xuất pin mặt trời perovskite vẫn đang cao hơn khá nhiều so với phương thức sản xuất bằng vật liệu truyền thống đang là một thách thức đối với JGC. JGC Holdings cho hay họ đang tìm cách giảm chi phí bằng thông qua việc cắt giảm chi phí mua sắm và phát triển công nghệ để lắp đặt tiện lợi. Mục tiêu là giảm chi phí xuống thấp hơn so với các tấm pin mặt trời hiện có vào năm 2028.

Dữ liệu thống kê cho thấy vào năm 2021, Điện năng sản xuất từ Năng lượng mặt trời chiếm khoảng 8% tổng nguồn cung cấp điện của Nhật Bản con số gấp gần 20 lần so với một thập kỷ trước đó. Nếu số lượng các địa điểm lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tăng lên đáng kể nhờ sử dụng pin mặt trời có thể uốn cong perovskite thì việc ứng dụng năng lượng tái tạo được dự đoán sẽ tăng lên nhanh chóng.

Không nằm ngoài vòng cạnh tranh, hiện các công ty Trung Quốc cũng đang đi đầu trong việc sản xuất hàng loạt pin mặt trời perovskite. Tại Nhật Bản, Sekisui Chemical và Kaneka có kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt sớm nhất là vào năm 2025, Toshiba và Panasonic Holdings cũng đang gấp rút phát triển công nghệ perovskite.

Theo Nikkei