Tại hội thảo “Giao lưu doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc” diễn ra mới đây, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, việc đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước đã cho thấy rõ, một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam là nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển khiến Việt Nam không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu (tình trạng nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất kéo dài từ rất nhiều năm trở lại đây), khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa thấp.

Thực trạng này sẽ không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam trong dài hạn.

Thời gian qua, mặc dù chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ cần thiết và hữu ích cho doanh nghiệp đã được quy định tại nhiều văn bản pháp lý khác nhau nhưng chưa đưa triển khai hiệu quả trên thực tế.

Đơn cử như các quy định về ưu đãi tín dụng, do những đặc thù của sản xuất công nghiệp hỗ trợ (chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa nhưng đòi hỏi vốn lớn cho đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công nghệ, vật liệu và nhân lực kỹ thuật trình độ cao) cũng như xuất phát điểm thấp của doanh nghiệp Việt Nam như: doanh nghiệp không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn; báo cáo tài chính không khả thi do đầu tư ban đầu quá lớn, hồ sơ vay vốn khó thuyết phục cơ quan tín dụng…, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

“Đây là một trong những nguyên nhân, rào cản chính khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó khăn trong việc đầu tư sản xuất, dẫn đến việc cản sản phẩm của doanh nghiệp trong nước khó tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu”, lãnh đạo Cục Công nghiệp nhìn nhận.

Bên cạnh đó, dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, chưa đảm bảo quy mô công suất sản xuất kinh tế đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trong khi đó thị trường xuất khẩu phải chịu sự cạnh tranh gay gắt đặc biệt từ các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ.

Khắc phục “điểm nghẽn”

Nhằm góp phần khắc phục những điểm nghẽn nêu trên, hội thảo “Giao lưu doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc” được tổ chức với 5 hoạt động chính gồm: Kết nối nhà đầu tư, tổ chức tín dụng Hàn Quốc, giới thiệu trang thiết bị, máy móc đã qua sử dụng, hỗ trợ, tư vấn tìm kiếm NCC, nội địa hóa linh kiện, phụ tùng và thương mại hóa công nghệ. Đây là những hoạt động có ý nghĩa quan trọng, kịp thời, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các giải pháp đầu tư từ mạng lưới các quỹ đầu tư lớn của Hàn Quốc, cũng như tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Hàn Quốc. Đáng chú ý, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ Hàn Quốc.

Phát biểu tại sự kiện, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nhấn mạnh, hội thảo này nhằm giải quyết nhu cầu hình thành thu hút đầu tư, cũng như hình thành mạng lưới kết nối B2B giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc, giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc, từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ, trình độ quản lý cũng như mở rộng thị trường, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19, hoạt động giao thương trực tiếp này sẽ càng phát huy vai trò kết nối, giúp doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi giá trị bền vững trong tương lai”.

Ông Yang - đại diện Viện Nghiên cứu phát triển công nghiệp ô tô Hàn Quốc - phụ trách dự án xây dựng và vận hành Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc thông tin, Hàn Quốc ưu tiên việc đồng hành cùng doanh nghiệp Việt nam gia nhập thị trường quốc tế thông qua hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực liên kết chuỗi sản xuất.

Bên cạnh đó, đại diện phía KIA, Dpeco đã lần lượt có bài trình bày về dự án phát triển xe tải điện, xe chuyên dụng cũng như bày tỏ mong muốn phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Đây cũng là hoạt động trọng tâm và thu hút hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, tham gia kết nối, tư vấn 1:1 tại hội thảo.

Trong thời gian tới, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục cùng Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tiếp tục kết nối với các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Hàn Quốc, giúp doanh nghiệp chủ động tiếp cận, thúc đẩy hợp tác, góp phần đưa ngành công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Theo Việt Anh - BCT