Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao: Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, sáng ngày 16/11 theo giờ địa phương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC.

Trước hơn 1 nghìn lãnh đạo của các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu và doanh nghiệp hàng đầu thế giới, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh các mâu thuẫn lớn của kinh tế thế giới hiện nay, và những quan điểm, định hướng phát triển của Việt Nam trong một thế giới đang thay đổi.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, bốn mâu thuẫn lớn của kinh tế thế giới hiện nay, đó là kinh tế tăng trưởng, của cải ngày càng nhiều nhưng khoảng cách giàu nghèo gia tăng và tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng; thế giới hưởng lợi từ toàn cầu hóa nhưng xu thế bảo hộ, phân tách lại gia tăng; khoa học - công nghệ phát triển nhanh nhưng khung khổ thể chế vẫn giới hạn ở tầm quốc gia; theo đuổi mô hình tăng trưởng khuyến khích tiêu dùng nhưng lại không huy động đủ nguồn lực cho các mục tiêu phát triển bền vững. Theo Chủ tịch nước, giải pháp căn bản để giải quyết các vấn đề này là phải thay đổi tư duy. Nhấn mạnh APEC đã luôn là vườn ươm các ý tưởng liên kết kinh tế và đặt nền móng cho các thỏa thuận hợp tác toàn cầu, tuy nhiên chỉ từ 2019 đến nay, trên thế giới đã có hơn 3 nghìn rào cản thương mại được lập ra gây nên sự sụt giảm sản lượng kinh tế toàn cầu. Chủ tịch nước khẳng định, hơn bao giờ hết, APEC cần tái khẳng định cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế, ủng hộ một nền kinh tế thế giới mở, bao trùm và bền vững, bảo đảm lợi ích từ thương mại được phân phối rộng khắp và bình đẳng trong xã hội.

 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC. Ảnh: TTXVN

Về quan điểm và chính sách phát triển của Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, việc tất cả người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển là yêu cầu xuyên suốt, trong đó người dân là mục tiêu, là chủ thể của phát triển, mọi chính sách và hoạch định tương lai phải hướng tới hạnh phúc của người dân. Do đó, Việt Nam triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp: xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Các dự án đầu tư phải lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ cao và bảo vệ môi trường là hàng đầu. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên và tạo môi trường khuyến khích người nghèo, người yếu thế nỗ lực, vươn lên bằng chính sức của mình, hòa nhập với cộng đồng, xóa bỏ phân biệt trong xã hội. Để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn các bạn bè, đối tác tiếp tục đồng hành trong tham vấn, đề xuất chính sách và ý tưởng đầu tư mới.

Theo VTV