Ngày 23/5,
nhận lời mời của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Nikkei Tsuyoshi Hasabe, Phó
Thủ tướng Lê Minh Khái đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị
Tương lai châu Á lần thứ 29 với chủ đề "Vai trò lãnh đạo của châu Á trong
một thế giới bất định" tại Tokyo, Nhật Bản.
Hội nghị
năm nay có sự tham gia đông đảo hơn của lãnh đạo các nước, cộng đồng doanh nghiệp
và giới học giả uy tín tại khu vực, trong đó có Thủ tướng Nhật Bản, Malaysia,
Thái Lan; Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ và các Phó Thủ tướng Campuchia, Singapore.
Châu Á
luôn vượt qua thách thức, hóa giải được khó khăn
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đưa ra đánh giá cho rằng thế giới đang đứng trước những thách thức chuyển đổi rất sâu sắc, toàn diện. Kinh tế thế giới bước vào một giai đoạn khó khăn, bất trắc với nhiều rủi ro gia tăng. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh châu Á cần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về thương mại, đầu tư, kinh tế xanh, kinh tế số. Nhiều ý kiến nhấn mạnh các nước châu Á cần giữ vai trò trung lập và cân bằng quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược gia tăng. Hội nghị khẳng định vai trò lãnh đạo của châu Á trong xử lý các thách thức toàn cầu, phát huy lợi thế là đầu tàu tăng trưởng và trung tâm của nhiều liên kết kinh tế quan trọng.
Chia sẻ về
vai trò và tiềm năng của châu Á, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá
châu Á vẫn là một khu vực tăng trưởng năng động và ổn định. Sau mỗi cuộc khủng
hoảng trong 3 thập kỷ qua, châu Á đều vượt qua được khó khăn, hóa giải được
thách thức, vươn lên mạnh mẽ hơn và đã thực sự trở thành một hình mẫu phát triển
với các nhà tiên phong, dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực mới.
Đề xuất 3
bảo đảm, 3 phát huy để thúc đẩy sự phát triển của châu Á
Tại hội
nghị lần này, trước nhiều nhà lãnh đạo các nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề
xuất 3 bảo đảm, 3 phát huy để thúc đẩy sự phát triển và không ngừng nâng cao
vai trò của châu Á trong tương lai.
Trước hết,
về 3 bảo đảm, châu Á cần bảo đảm: Một là, điều kiện tiên quyết là môi trường
hòa bình, ổn định làm tiền đề cho hợp tác và phát triển; tôn trọng Hiến chương
Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển
năm 1982;
Hai là, lợi
ích từ tự do thương mại và đầu tư được phân phối rộng khắp và bình đẳng giữa
các quốc gia;
Ba là, hợp
tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện
trong giải quyết các thách thức chung.
Về 3 phát
huy, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái kêu gọi các đối tác trong khu vực trước
tiên phát huy và củng cố năng lực thích ứng và sức chống chịu của các nền kinh
tế châu Á và các doanh nghiệp của khu vực.
Theo Phó
Thủ tướng, thông qua các khuôn khổ đa phương, các nền kinh tế khu vực cần tăng
cường chia sẻ thông tin, phối hợp chính sách vĩ mô, kịp thời thúc đẩy các sáng
kiến hợp tác kinh tế khu vực và liên khu vực.
Bên cạnh
đó, hợp tác về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh mạng và kết nối
thương mại nhằm đa dạng hoá nguồn cung là cần thiết nhằm góp phần củng cố an
ninh kinh tế của khu vực châu Á.
Các nền kinh tế khu vực cần chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận các xu thế phát triển mới thông qua: Tham gia định hình các tiêu chuẩn, nguyên tắc quản trị các công nghệ đột phá, nhất là trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, năng lượng mới.
Nghiên cứu,
thí điểm và nhân rộng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Đẩy mạnh triển khai các sáng kiến khu vực như sáng kiến AZEC của Nhật Bản; Hiệp
định Khung ASEAN về kinh tế số, kinh tế biển xanh, Chiến lược trung hòa carbon
ASEAN…
Trong quá
trình này, Phó Thủ tướng đề nghị các nước phát triển tiếp tục quan tâm, dành sự
hỗ trợ cho các nước đang phát triển về tài chính, chuyển giao công nghệ, nâng
cao năng lực thực hiện cam kết về tăng trưởng xanh, giảm phát thải, nâng cao khả
năng thích ứng với biến đổi khí hậu; tái đào tạo kỹ năng, đào tạo nguồn nhân lực
chất lượng cao…
Trước những
thách thức chung của khu vực, Phó Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đồng
hành cùng Nhà nước trong thực hiện cam kết về phát triển bền vững, theo đuổi
các mục tiêu dài hạn về kinh tế, môi trường và xã hội.
Tăng cường
đầu tư vào khoa học – công nghệ, đầu tư vào con người, đầu tư xây dựng các cộng
đồng bao trùm, tự cường. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp châu Á xác lập vị
trí trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng giá trị và thương hiệu.
Việt Nam tự
hào đồng hành cùng sự phát triển chung của châu Á
Phát biểu
và thảo luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng chia sẻ Việt Nam tự hào đồng hành cùng
sự phát triển chung của châu Á, đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và là hình
mẫu trong một số khía cạnh phát triển quan trọng.
Nền kinh tế
Việt Nam thay đổi tích cực, vượt bậc cả về chất và lượng; an sinh và công bằng
xã hội được bảo đảm.
Về đối ngoại,
Việt Nam trở thành hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về sự vươn lên, hàn gắn,
khắc phục hậu quả, xây dựng quan hệ sau chiến tranh và mở cửa, hội nhập quốc tế
sâu rộng. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Việt Nam đang bước vào giai đoạn
phát triển mới với tầm nhìn trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Trong chặng
đường đó, Việt Nam chú trọng triển khai ba đột phá chiến lược về thể chế kinh tế,
kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực; kiên định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự
chủ và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; kiên trì triển
khai chủ trương, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp
tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Phó Thủ tướng
khẳng định Việt Nam đẩy mạnh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và kiên quyết
đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực nhằm củng cố, tăng cường niềm tin của
nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và hệ thống pháp luật, siết chặt kỷ luật,
kỷ cương, giữ vững và phát huy lợi thế về ổn định chính trị.
Chia sẻ với
Hội nghị, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái
nhấn mạnh thông điệp Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi
ích chính đáng và hợp pháp của các doanh nghiệp, kiên định mục tiêu ổn định vĩ
mô, khẳng định bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh gắn với quá
trình chuyển đổi năng lượng công bằng và giảm phát thải.
Phó Thủ tướng
khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư trong chặng
đường sắp tới để cùng nhau hóa giải thách thức, biến nguy thành cơ, cùng nhau
phát triển nhanh và bền vững.
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng các
nhà đầu tư trong chặng đường sắp tới để cùng nhau hóa giải thách thức, biến
nguy thành cơ, cùng nhau phát triển nhanh và bền vững. Ảnh: VGP/Trần Mạnh
Trên cơ sở
quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu
Á và trên thế giới" giữa Việt Nam và Nhật Bản, Phó Thủ tướng đề nghị cộng
đồng doanh nghiệp hai nước tích cực khai thác Khuôn khổ quan hệ đối tác mới, đẩy
mạnh liên kết kinh tế, hợp tác bảo đảm an ninh kinh tế và xây dựng các chuỗi
cung ứng ổn định.
Với thông
điệp Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình châu Á, Phó Thủ tướng bày tỏ
mong muốn phát huy hơn nữa vai trò "là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là
thành viên có trách nhiệm" của khu vực và cộng đồng quốc tế. Cùng với đó,
Phó Thủ tướng tin tưởng rằng với giá trị nền tảng là sự đa dạng, năng động và tự
cường, châu Á sẽ tiếp tục vững bước, viết tiếp những câu chuyện vẻ vang, hoàn
thành sứ mệnh trong thế kỷ 21.
Theo BCT