Chủ đầu tư
có thể được chuyển nhượng nhà gắn với quyền sử dụng đất, kinh doanh và hưởng
lãi thu từ diện tích làm sàn dịch vụ thương mại.
Đây là một
trong số giải pháp tháo gỡ tổng thể khó khăn, cơ cấu lại sản phẩm nhà ở được
nêu tại dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Dự thảo
này đưa ra sau hội nghị gỡ khó cho thị trường bất động sản được Chính phủ tổ chức
ngày 17/2.
Chính phủ
cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về thí điểm
một số chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, các chính sách đưa
ra sẽ giải quyết các nút thắt về giao đất đầu tư xây dựng theo hướng giao đất
không thu tiền sử dụng đất, chủ đầu tư được chuyển nhượng nhà ở xã hội gắn với
chuyển quyền sử dụng đất.
UBND tỉnh
sẽ chịu trách nhiệm bố trí, đảm bảo quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trên địa
bàn. Chính quyền địa phương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu
tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp.
Việc chọn
chủ đầu tư sẽ thông qua đấu thầu hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư. Chủ đầu tư dự
án nhà ở xã hội sẽ được chấp thuận chủ trương đầu tư nếu có quyền sử dụng đất
phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, chương
trình phát triển nhà ở xã hội của địa phương.
Chủ đầu tư
nhà ở xã hội sẽ được dành toàn bộ diện tích sàn khối của dự án để làm sàn dịch
vụ - kinh doanh thương mại, dịch vụ công cộng (y tế, văn hoá, thể dục thể
thao...), hạch toán riêng và được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ diện tích này. Với
phần diện tích làm nhà ở xã hội, chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức theo
quy định tại Luật Nhà ở.
Chủ đầu tư
dự án nhà ở xã hội lập phương án giá, trình cơ quan thẩm quyền thẩm định tại thời
điểm nhà ở đủ điều kiện bán, cho thuê hoặc cho thuê mua. Trong đó, giá bán, cho
thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội tính toán trên cơ sở xác định đủ chi phí bảo
trì nhà ở, chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng, lãi vay (nếu có), các chi
phí hợp lý của doanh nghiệp, lợi nhuận định mức theo quy định và không tính các
khoản ưu đãi của Nhà nước.
Để có vốn phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội tới 2030, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (khoảng 10% nhu cầu vốn giai đoạn 2022 - 2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hình thức tái cấp vốn. Hình thức này tương tự gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 trước đây.
Trong đó,
chủ đầu tư dự án được vay ưu đãi 50% của gói tín dụng trên, tương đương 55.000
tỷ đồng. Số tín dụng còn lại, 55.000 tỷ đồng, sẽ dành cho người mua nhà vay.
Góp ý về
gói tín dụng này, tại hội nghị tháo gỡ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động
sản ngày 17/2, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng,
Chính phủ nên học kinh nghiệm từ mô hình Singapore, Hàn Quốc để phát triển nhà ở
xã hội và rút kinh nghiệm bất cập khi triển khai gói 30.000 tỷ đồng trước đây.
Cho rằng cần
thiết có một gói tín dụng riêng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhưng Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói cần cân nhắc kỹ về nguồn vốn của gói
này. Bà Hồng cho biết, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã thống nhất dành một
gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này, lãi suất cho vay thấp hơn 1,5-2%
lãi suất bình quân thị trường với người xây dựng và người mua nhà.
Cũng theo
dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đưa ra các giải pháp gỡ vướng tổng thể pháp lý và
vốn - hai nút thắt lớn nhất của thị trường hiện nay.
Về vốn, các doanh nghiệp, dự án bất động sản phục
vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng gặp khó khăn sẽ được
xem xét giãn nợ gốc, lãi vay.
Ngoài ra,
các dự án bất động sản có phương án vay vốn khả thi, khách hàng có tiềm lực tài
chính, khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn sẽ được xem xét tiếp tục cấp tín dụng.
Trong đó sẽ ưu tiên cho vay với các dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, thanh
khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cụm văn phòng cho thuê, bất động sản
công nghiệp.
Chính phủ
cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có biện pháp
giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.
Về trái
phiếu, Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn huy động vốn, gồm phát hành trái
phiếu, của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán và kiểm
soát việc huy động này để tránh đầu cơ thao túng, thổi giá. Tuy nhiên, Chính phủ
lưu ý các biện pháp kiểm soát không được cản trở doanh nghiệp đủ năng lực, hiệu
quả kinh doanh tốt có thể huy động vốn để phục hồi, phát triển.
Bộ Tài chính cũng được giao kiểm tra việc phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, không có tài sản đảm bảo.
Với các địa
phương, Chính phủ giao khẩn trương rà soát, lập danh mục dự án nhà ở, bất động
sản; lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở 5
năm, hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương các dự án, tăng nguồn cung cho
thị trường.
Địa phương
tăng đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, chấp thuận chủ
trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, nhất là xác định giá đất, tính tiền sử dụng
đất, cho thuế đất thực hiện dự án để tăng cung cho thị trường.
Anh Minh - VNE