Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là khoa học,
công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp
mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào
cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đưa nước ta trở thành nước có công
nghiệp hiện đại vào năm 2030; tham gia tích cực, hiệu quả và tận dụng lợi thế
thương mại, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, tỉ
trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế
tạo đạt tối thiểu 45%.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp
phần quan trọng trong xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người
Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương,
chính sách phát triển đất nước; đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI)
duy trì trên 0,7;...
Doanh nghiệp
lớn có vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là xây dựng hệ thống đổi mới
sáng tạo quốc gia.
Cụ thể, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng
tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới. Phát triển các hệ sinh
thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với
các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành; trong đó các
doanh nghiệp lớn có vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo,
các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò kiến tạo môi trường thể chế, chính sách
thuận lợi, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại
học, tổ chức hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo.
Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới
sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành, vùng, các trung tâm hỗ
trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết
đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, khu dân cư, trung tâm tài chính, quỹ
đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu; triển khai mạnh mẽ các nền tảng
đổi mới sáng tạo mở, mạng lưới đổi mới sáng tạo mở nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu
tư trong và ngoài nước tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới, hình thành doanh
nghiệp mới.
Tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới
sáng tạo, mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các trung tâm đổi mới sáng tạo,
các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong và ngoài nước.
Hoàn thiện hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm
vụ và tăng cường đầu tư về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng cho các đơn vị sự
nghiệp công lập thực hiện chức năng, nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ
khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thuộc các Sở Khoa học và Công nghệ để
trở thành các đầu mối hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới
sáng tạo tại địa phương.
Đầu tư xây dựng
đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khác của Chiến lược
là phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ
và năng lực sáng tạo cao.
Cụ thể, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai. Tăng cường đào tạo kiến thức về khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực tin học, ngoại ngữ, rèn luyện năng lực thiết kế sáng tạo gắn với các dự án thực tế trong trường phổ thông, đặc biệt thông qua hình thức đào tạo STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học). Tăng cường định hướng nghề nghiệp và tư vấn theo đuổi khoa học, kỹ thuật và ngành kỹ thuật trong các trường học phổ thông và các trường đại học.
Đầu tư xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và
công nghệ trình độ cao. Nhanh chóng xây dựng đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, từng
bước nâng cao tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành tiệm cận với tiêu chuẩn ở các
nước phát triển. Tiếp tục chương trình tuyển chọn, gửi đi đào tạo nhân lực khoa
học và công nghệ trình độ cao thuộc các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm ở các nước
có nền khoa học và công nghệ tiên tiến.
Triển khai các giải pháp nâng cao số lượng và
chất lượng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu
của khu vực doanh nghiệp. Đổi mới chương trình đào tạo cho đối tượng nhân lực
khoa học và công nghệ trong các trường cao đẳng, đại học hướng tới đáp ứng yêu
cầu của thị trường lao động.
Thúc đẩy thu hút và dịch chuyển nhân lực khoa
học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cơ sở rà soát, sửa đổi các quy định nhằm
khuyến khích chuyển dịch nhân lực hai chiều giữa khu vực công và tư; có cơ chế,
chính sách hỗ trợ kinh phí và tạo thuận lợi về thủ tục xuất/nhập cảnh, visa, giấy
phép lao động,... để thu hút nhân lực trình độ cao từ nước ngoài, người Việt
Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
trong nước; phát triển các mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam, thu hút sự
tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài;
có chính sách đưa người Việt Nam vào làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, các
doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ngoài, sau đó trở về nước làm việc; tháo gỡ các
chính sách để tạo thuận lợi cho các giảng viên, cán bộ nghiên cứu thường xuyên
tham gia vào hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.
Chí Kiên - BCP