Nvidia dường như đang hiện diện ở khắp mọi nơi, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng AI hiện đại. Câu chuyện thành công của họ khiến người ta dễ dàng quy về một nguyên nhân: Công nghệ mạnh mẽ trong huấn luyện và triển khai trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhưng đằng
sau sự hiện diện rộng khắp ấy lại là một triết lý kinh doanh tưởng chừng mâu
thuẫn: Loại bỏ mọi thứ không cốt lõi. “Nếu có thể tránh làm một việc gì đó,
chúng tôi sẽ tránh”, Jensen Huang – đồng sáng lập và CEO của Nvidia – phát biểu
tại họp báo trong khuôn khổ hội nghị GTC diễn ra tại San Jose (California) ngày
19/3.
Chính tư
duy đó đã giúp Nvidia tăng trưởng ấn tượng kể từ khi thành lập năm 1993, và gần
đây trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Dù công ty Trung Quốc DeepSeek gần
đây đã đặt dấu hỏi về nhu cầu dài hạn đối với các hệ thống huấn luyện AI cao cấp
– cộng thêm ảnh hưởng từ đợt bán tháo cổ phiếu toàn cầu do các chính sách thuế
mới của Tổng thống Trump – thì đến chiều thứ 6 ngày 11/4 vừa qua, vốn hóa thị
trường của Nvidia vẫn đạt 2.710 tỷ USD, cao thứ ba thế giới sau Apple và
Microsoft, vượt cả Amazon và Alphabet.
Dù quy mô
và phạm vi kinh doanh đã mở rộng – từ sản xuất chip phục vụ trò chơi điện tử đến
phát triển toàn bộ hạ tầng AI – nhưng tinh thần "tiết chế" vẫn là kim
chỉ nam. Tập trung vào những gì cốt lõi và mang tính nền tảng chính là động lực
thúc đẩy tăng trưởng. Nvidia có thể làm rất nhiều điều, bởi họ biết rõ điều gì
mình không nên làm.
Tại GTC,
khi được hỏi về việc Nvidia vừa hợp tác vừa cạnh tranh với các đối tác – điều
thường gây xung đột trong giới công nghệ – Huang thẳng thắn trả lời: “Rõ ràng
là chúng tôi đã giải thích không đủ rõ ràng”. Ông cho biết Nvidia cung cấp công
nghệ ở mọi cấp độ của hạ tầng AI: Từ mạng lưới, thiết bị chuyển mạch, lưu trữ,
đến các hệ thống tính toán với mọi kích cỡ và hình thức.
“Tuy nhiên
– đây là điểm mấu chốt – chúng tôi xây dựng mọi thứ, nhưng sẽ cung cấp chúng
theo bất kỳ cách nào mà thế giới muốn sử dụng. Vì chúng tôi không phải là một
công ty cung cấp giải pháp trọn gói”, CEO Huang nhấn mạnh.
Thay vì
bán giải pháp hoàn chỉnh, Nvidia để khách hàng và đối tác tự quyết định phần
“50% giá trị cuối cùng” mà họ muốn tự phát triển. Điều này giúp các công ty
công nghệ dễ dàng tích hợp với nền tảng của Nvidia hơn. Trong ngành ô tô chẳng
hạn, điều đó cho phép nhiều hãng cùng xây dựng trên nền tảng Nvidia mà vẫn giữ
được bản sắc riêng.
Trên hết,
triết lý kỷ luật này cũng mang lại hiệu quả nội bộ. Với chỉ 36.000 nhân viên –
một con số nhỏ hơn đáng kể so với các ông lớn công nghệ khác tại Silicon Valley
– Huang muốn sử dụng nguồn lực “vô cùng khan hiếm” này một cách tốt nhất.
Tại lễ trao giải Edison cho đổi mới sáng tạo mới đây, ông cho biết nhân viên của
Nvidia chỉ làm những việc mà họ cảm thấy xứng đáng với thời gian và năng lượng
của mình.
Ví dụ,
trong thiết kế trung tâm dữ liệu, thay vì lắp ghép hàng nghìn máy chủ giá rẻ
như truyền thống, Nvidia lại theo đuổi chiến lược “scale up trước khi scale
out” – tức là tăng tối đa sức mạnh cho mỗi rack máy tính trước khi mở rộng
thành hệ thống phân tán quy mô lớn.
Tất nhiên,
chiến lược này vẫn tồn tại rủi ro. Một đối thủ mã nguồn mở, chẳng hạn, có thể đảo
ngược phương trình “scale up-scale out” này. Mô hình R1 của DeepSeek từng gây
chấn động ngắn hạn, vì dường như nó được huấn luyện bằng hạ tầng cũ kỹ.
Nhưng
Huang phản biện rằng sự xuất hiện của những mô hình lập luận như R1 cho thấy:
Thế giới thực ra đang cần lượng sức mạnh tính toán gấp 100 lần so với tưởng tượng
năm ngoái.
Và hơn cả
những đột phá công nghệ đơn lẻ, thành công của Nvidia nằm ở khả năng kiến tạo một
hệ sinh thái – nơi khách hàng và đối tác có thể góp phần xây dựng hạ tầng, hoặc
phát triển giải pháp trên đó. Điều đó không hoàn toàn mới, nhưng cách Nvidia
triển khai thì rất khác biệt: Dựa trên nền tảng hạ tầng sâu rộng, tập trung vào
những bài toán khó và thiết yếu, cùng với chiến lược rõ ràng về việc không đầu
tư dàn trải. “Chúng tôi muốn tạo điều kiện cho hệ sinh thái phát triển”,
CEO Huang kết luận.
Cafebiz.vn