Theo báo cáo World Economic League Table 2022 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh
tế và Kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại London, Anh, Việt Nam được dự báo sẽ trở
thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á sau Indonesia và là nền kinh tế lớn
thứ 20 trên thế giới vào năm 2036.
Báo cáo chỉ ra rằng, tính đến năm 2021, Việt Nam ước tính có Tổng sản phẩm
quốc nội (GDP) bình quân đầu người điều chỉnh theo sức mua tương đương là
11.608 USD. Báo cáo nhận định câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không
gì khác “một phép màu”, với cải cách đổi mới vào giữa những năm 1980, cùng với
các xu hướng toàn cầu thuận lợi, giúp quốc gia này đạt được tăng trưởng kinh tế
nhanh chóng. và đưa đất nước từ một quốc gia nghèo trở thành một quốc gia có tầng
lớp trung lưu thấp.
Báo cáo nhận xét rằng để đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao
vào năm 2045, Việt Nam phải tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm khoảng
5% bình quân đầu người. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách
thức chính trên con đường trở thành quốc gia có thu nhập cao. Với việc thương mại
toàn cầu suy giảm và dân số già đi, Việt Nam cần cải thiện đáng kể hiệu quả thực
hiện chính sách, đặc biệt là trong các lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi
tự động hóa và biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn 2021-2036, CEBR dự báo vị thế của Việt Nam trong Bảng xếp hạng
kinh tế thế giới sẽ được cải thiện đáng kể, với thứ hạng tăng từ 41 lên 20 vào
năm 2036. Khi đó, Việt Nam sẽ đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Nếu dự
báo của CEBR là đúng, đến năm 2036, kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Ba Lan, Thụy Sỹ,
Thụy Điển, Bỉ và Australia.
Btt-ttx