Chuyến du lịch triệu USD vào vũ trụ

Phi hành đoàn nữ của công ty hàng không vũ trụ Blue Origin, bao gồm ngôi sao nhạc pop Katy Perry, vừa hoàn thành chuyến bay vào không gian hôm 14/4. Chuyến bay khởi hành từ điểm phóng tên lửa ở Tây Texas lúc 20h30 phút theo giờ Hà Nội và hoàn thành lúc 21h.

Tàu New Shepard đã đưa Katy Perry và phi hành đoàn toàn nữ vượt qua đường Kármán - ranh giới giữa khí quyển Trái Đất và vũ trụ, cách mặt đất hơn 100 km. Chuyến bay kéo dài 11 phút và các phi hành gia đã có khoảng thời gian ngắn ngắm hành tinh xanh trong trạng thái không trọng lực.


Phi hành đoàn toàn nữ của tàu New Shepard. Theo chiều kim đồng hồ từ trái sang: Lauren Sánchez, Amanda Nguyen, Katy Perry, Gayle King, Aisha Bowe, Kerianne Flynn. Ảnh: Blue Origin

Theo công ty hàng không vũ trụ Blue Origin, đây là chuyến bay vũ trụ đầu tiên có sự tham gia của toàn bộ phụ nữ kể từ năm 1963, ABC News đưa tin.

Giá vé chính xác của Blue Origin vẫn còn là một bí ẩn. Hè năm 2021, Blue Origin từng đấu giá một ghế trên chuyến bay có người lái đầu tiên với giá 28 triệu USD, theo The New York Times.

Tuy nhiên, không phải ai cũng phải trả hàng triệu USD. Người phát ngôn Blue Origin, ông Bill Kircos cho biết một số hành khách trong chuyến bay ngày 14/4 được bay miễn phí.

Dù Blue Origin chưa công bố giá vé cụ thể, được biết một “ông lớn” khác trong ngành là Virgin Galactic đưa ra mức giá từ 200.000 đến 450.000 USD, theo AP. 

Sôi động nền kinh tế vũ trụ

Song song với ước mơ chinh phục vũ trụ của con người, nền kinh tế vũ trụ ngày nay đang phát triển hết sức sôi động.

Ngân hàng đa quốc gia Bank of America dự báo ngành công nghiệp vũ trụ sẽ có quy mô ước đạt 1.400 tỷ USD vào năm 2030.

Các hoạt động công nghệ vũ trụ đang được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như khí tượng, năng lượng, viễn thông, bảo hiểm, vận tải, hàng hải, hàng không, phát triển đô thị…

Hiện nay, kinh tế vũ trụ đang bước vào kỷ nguyên thương mại hóa với sự tham gia mạnh mẽ của cả khu vực công và tư.

Có khoảng 90 quốc gia đang thúc đẩy phát triển chương trình không gian vũ trụ. Đáng chú ý, trong số đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Iran, Israel và Nhật Bản có khả năng phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo một cách ổn định.

Không chỉ các chính phủ, hàng loạt công ty tư nhân cũng tham gia tích cực trong ngành công nghiệp vũ trụ. Theo Financial Times, trong 2 thập niên qua, có hơn 10.000 công ty vũ trụ thương mại đã ra đời và khoảng 5.000 nhà đầu tư tham gia ngành vũ trụ.

Với sự cạnh tranh giữa nhiều công ty tư nhân, các ứng dụng công nghệ vũ trụ được mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới, như du hành vũ trụ, công nghệ truyền thông sử dụng vệ tinh ở quỹ đạo thấp, ứng dụng internet kết nối vạn vật (IoT) trên hệ thống vệ tinh và thiết bị mặt đất.

Một số tập đoàn nổi bật như SpaceX, Amazon, Virgin Galactic … đã triển khai hàng loạt dự án lớn, như cung cấp dịch vụ internet bằng chùm Starlink của SpaceX, chùm Kuiper của Amazon, du lịch Blue Origin của Amazon…

Trong đó, SpaceX là công ty vũ trụ được biết đến nhiều nhất, đã phóng hàng nghìn vệ tinh cho cả mục đích công và tư. SpaceX được tỷ phú Elon Musk thành lập vào năm 2002, với mục tiêu giảm chi phí và tạo điều kiện cho việc khám phá vũ trụ.

Tính đến tháng 4/2025, được định giá khoảng 350 tỷ USD, trở thành một trong những công ty tư nhân có giá trị lớn nhất thế giới.

Doanh thu của công ty chủ yếu đến từ 2 mảng kinh doanh chính: dịch vụ Internet vệ tinh Starlink và hoạt động phóng tên lửa. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng đến năm 2030, SpaceX có thể đạt doanh thu 65 tỷ USD và lợi nhuận ròng 16 tỷ USD, trong đó Starlink đóng góp phần lớn.


Tên lửa SpaceX Falcon 9 và tàu vũ trụ Dragon phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Cape Canaveral, Florida, vào ngày 14/3/2025. Ảnh: Getty Images.

Theo các chuyên gia, tương lai của kinh tế vũ trụ tuy tiềm năng nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Một số thách thức có thể kể đến như cạnh tranh địa - chính trị, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, dẫn đến nguy cơ chạy đua vũ trang và ô nhiễm không gian do rác thải quỹ đạo và khí thải từ các vụ phóng tên lửa.

Bên cạnh đó, khi một số ít công ty giữ thế độc quyền trong lĩnh vực vũ trụ có thể dẫn đến tình trạng tư nhân hóa không gian vũ trụ. Hơn nữa, việc thiếu một hệ thống pháp lý quốc tế hoàn chỉnh có thể gây khó khăn cho việc phân biệt mục đích dân sự hay quân sự của các hoạt động không gian.

Tiềm năng công nghệ vũ trụ Việt Nam và cú “bắt tay” với Space X

Nhận thức được tiềm năng của nền kinh tế vũ trụ, những năm qua, Việt Nam đã chú trọng đầu tư, nghiên cứu, từng bước làm chủ công nghệ vũ trụ.

Ngày 4/2/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, không gian vũ trụ cần được xác định là một trong 5 không gian (vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gian mạng và không gian vũ trụ) mà Việt Nam cần làm chủ để bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Vì thế, trong tương lai, Việt Nam cần chủ động về công nghệ vũ trụ, đặc biệt là công nghệ vệ tinh, từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, chủ động chế tạo, phát triển những thiết bị chính trong vệ tinh giúp làm chủ "tai mắt" của chúng ta trên quỹ đạo, PGS.TS Tuấn cho biết.

Thời gian qua, ngành vũ trụ Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định như: tự chế tạo 3 vệ tinh cỡ nhỏ “made in Vietnam” (PicoDragon, NanoDragon và MicroDragon); tự chế tạo vệ tinh LOTUSat-1 - vệ tinh quan sát trái đất bằng công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam.


LOTUSat-1 - vệ tinh quan sát trái đất bằng công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: VNSC.

Mới đây nhất vào ngày 10/4, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã trao quyết định thí điểm cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh Starlink cho SpaceX.

Hệ thống Starlink với tham vọng phủ sóng Internet toàn cầu hiện có mặt ở hơn 125 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 triệu người sử dụng.

Công ty cho biết hiện có 6.750 vệ tinh, hoạt động ở quỹ đạo thấp, cách mặt đất 550 km. Khoảng cách ngắn giúp giảm thời gian truyền dữ liệu. Nhờ đó, Starlink có độ trễ thấp hơn so với dịch vụ Internet vệ tinh truyền thống.

Theo đó, SpaceX được thí điểm kinh doanh Internet vệ tinh tại Việt Nam trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp giấy phép. Phạm vi triển khai trên toàn quốc, với số lượng tối đa 600.000 thuê bao.

SpaceX dự kiến đầu tư 1,5 tỷ USD để triển khai dịch vụ Starlink tại Việt Nam và theo quy định sẽ phải thành lập công ty tại nước ta để triển khai dịch vụ này. Bên cạnh đó, công ty phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phải đặt trạm cổng mặt đất (trạm Gateway) trên lãnh thổ Việt Nam, lưu giữ thông tin thuê bao trong suốt thời gian sử dụng dịch vụ.

Bình luận về quyết định này, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam nhận định, đây là một tín hiệu tích cực cho hạ tầng Internet quốc gia. Starlink có thể giúp mang Internet băng rộng đến toàn lãnh thổ, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo – nơi hạ tầng viễn thông truyền thống còn hạn chế.

Theo VNF