Tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình quy định của Bộ luật Lao động có hiệu lực từ năm 2021, cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035.

Lao động muốn nghỉ hưu trước tuổi ngoài đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội (BHXH) phải có kết quả giám định suy giảm khả năng lao động 61% trở lên. Người không đủ tỷ lệ suy giảm trên không đủ điều kiện về hưu sớm.

Thời gian nghỉ trước không quá 5 năm với lao động suy giảm từ 61% đến dưới 81% và không quá 10 tuổi với người suy giảm trên 81%. Với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, lao động sẽ bị trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu.


Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu

Điều kiện hưởng lương hưu cũng nâng lên đồng bộ với tuổi nghỉ hưu. Năm nay, lao động làm việc trong điều kiện bình thường được hưởng hưu trí nếu nam đủ 61 tuổi, nữ đủ 56 tuổi 4 tháng và tham gia BHXH 20 năm.

Mức hưởng 45% bình quân tiền lương tính đóng BHXH, với mỗi năm tham gia sau đó tích lũy thêm 2%. Để hưởng lương hưu tối đa, lao động nữ đóng đủ 30 năm BHXH và nam đủ 35 năm.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá quy định nâng tuổi hưu theo lộ trình giúp tăng số người làm việc hết tuổi lao động mỗi năm, giảm tình trạng nghỉ việc hưởng lương hưu sớm. Cuối năm 2022, người lao động nghỉ hưu ở độ tuổi bình quân 56,6, tăng so với 55,8 tuổi vào năm 2016. Lao động đóng bình quân 29,9 năm BHXH trước khi về hưu.

Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của người Việt tới 75%, cao so với một số nước trong khu vực, song lương hưu bình quân chỉ đạt 5,4 triệu đồng do nền lương tính đóng BHXH thấp.

Cả nước có 2,7 triệu người già hiện hưởng lương hưu từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, trong khi lao động tham gia hệ thống là 17,5 triệu. Bình quân 6,5 người đóng BHXH thì có một người hưởng hưu trí. Năm 1996, bình quân 217 người đóng một người hưởng; năm 2000 số người đóng còn 34 và năm 2016 còn 9 người đóng cho một người hưởng.

Vnexpress.net