Nhiều người bắt đầu
việc mua sắm cho Tết Nguyên đán từ đầu tháng Chạp, nhưng cũng không ít người vì
quá bận nên sát Tết mới vội vàng đi chợ. Thời gian gấp rút trong khi những thứ
cần thiết lại nhiều, bạn sẽ rất dễ quên hoặc bỏ sót vài thứ cần thiết. Do đó, bạn
nên lập danh sách sắm Tết để thường xuyên đối chiếu, kiểm tra.
Những thứ cần mua
khi sắm Tết
Đối với đa số gia
đình, danh sách sắm Tết gồm đồ cúng, thực phẩm, đồ trang trí, trang phục và quà
biếu. Bạn nên xếp chúng thành các mục riêng cho dễ theo dõi và mua đồ.
Đồ cúng
Đồ cúng luôn chiếm
một vị trí ưu tiên trong danh sách những thứ cần mua sắm Tết, thường bao gồm:
Mâm ngũ quả:
Mâm ngũ quả đầy đủ với người miền Bắc thường bao gồm năm loại quả khác nhau tượng
trưng cho ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), mang ý nghĩa cầu mong sự đủ đầy,
may mắn như chuối, bưởi, đào, quýt, hồng. Mâm ngũ quả miền Nam thường bao gồm
mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung – tượng trưng cho nguyện ước "cầu vừa đủ
xài sung".
Hương, đèn, nến:
Những vật phẩm này tượng trưng cho sự tươi sáng và linh thiêng, giúp dẫn lối
cho hương linh tổ tiên về sum họp với con cháu.
Trầu, cau:
Thường được dùng trong các lễ nghi cổ truyền, tượng trưng cho tình cảm son sắt,
thủy chung.
Hoa cúng và trà:
Đây là những lễ vật không thể thiếu, mang đến sự thanh tao, trang nhã cho bàn
thờ ngày Tết.
Rượu:
Chén rượu dâng lên biểu hiện lòng thành kính, tri ân của con cháu với tổ tiên.
Khi mua đồ cúng Tết,
việc lựa chọn những sản phẩm tươi ngon, chất lượng là rất quan trọng. Gần đây,
nhiều gia đình lựa chọn dịch vụ đặt hàng online để tiết kiệm thời gian và công
sức.
Thực phẩm
Đây là thành phần
quan trọng trong danh sách những thứ cần mua sắm Tết. Với tâm lý "cả năm
có một ngày Tết", người người, nhà nhà đều chuẩn bị chu đáo mâm cơm đoàn
viên, với những món ngon nhất, tốt nhất. Các gia đình cũng sẽ phải chuẩn bị thực
phẩm cho nhiều lễ cúng như cúng tất niên, cúng giao thừa, cúng sáng mùng 1...
hay những bữa tiệc khi khách tới nhà.
Danh sách thực phẩm
mua sắm Tết thường không thể thiếu đồ truyền thống để cúng, đồ tươi sống và đồ
ngọt bánh kẹo.
Đồ truyền thống để
cúng gồm:
Bánh chưng, bánh
tét:
Đây là hai loại bánh không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam dịp Tết. Bánh
chưng miền Bắc và bánh tét miền Nam đều mang đậm nét văn hóa và tượng trưng cho
sự đủ đầy, sung túc.
Giò, chả: Giò lụa, giò bò hay chả quế luôn là lựa chọn phổ biến để dâng cúng tổ tiên cũng như là món ăn không thể thiếu trong các bữa cơm ngày Tết.
Dưa hành, củ kiệu:
Dưa hành miền Bắc hay củ kiệu miền Nam đều là những món ăn kèm hoàn hảo cho các
bữa cơm ngày Tết, giúp giảm độ ngán của các món thịt.
Đồ tươi sống gồm
các thực phẩm như:
Gạo nếp, đậu xanh:
Đây là những nguyên liệu cần thiết để nấu xôi hay tự gói bánh chưng hoặc bánh
tét tại nhà, giúp bạn giữ được hương vị truyền thống của món ăn. Nếu gói bánh,
bạn cần mua thêm lá dong hoặc lá chuối.
Thịt lợn, gà, bò:
Thịt lợn dùng để làm giò lụa, giò xào, thịt đông, hay thịt nấu đông. Gà có thể
luộc, nướng, hoặc nấu ninh để cúng tổ tiên và phục vụ bữa ăn gia đình. Thịt bò
có thể dùng để làm các món nướng, xào hoặc bò khô để nhắm cùng bạn bè.
Hải sản tươi:
Tôm, cá, mực tươi ngon không chỉ giúp bữa ăn phong phú hơn mà còn được dùng
trong các món hấp dẫn như lẩu, canh chua.
Rau củ quả tươi:
Rau xanh, cải bắp, cà rốt và các loại quả dùng để làm salad hay nấu canh luôn cần
thiết để bữa ăn ngày Tết thêm đầy đủ và dinh dưỡng.
Đồ ngọt sẽ gồm các
loại:
Mứt Tết:
Các loại mứt như mứt gừng, mứt dừa, mứt hạt sen không chỉ để đãi khách mà còn
mang ý nghĩa cầu mong may mắn, ngọt ngào cho năm mới.
Bánh kẹo truyền thống:
Các loại bánh kẹo như kẹo lạc, kẹo dừa, hay bánh đậu xanh mang lại hương vị
truyền thống, gợi nhớ ký ức tuổi thơ.
Trái cây khô, hạt
dinh dưỡng: Những món ăn chơi này không chỉ ngon miệng
mà còn tốt cho sức khỏe, rất được lòng các vị khách trong các buổi họp mặt đầu
năm.
Bia, rượu và nước
ngọt: Nhằm phục vụ cho các bữa tiệc chào đón năm mới, thức
uống như bia, rượu hoặc nước ngọt thường được mua sẵn để phục vụ các vị khách.
Trà, cà phê:
Những tách trà nóng hay ly cà phê thơm lừng là cách tuyệt vời để mở đầu một câu
chuyện trong những ngày đầu năm.
Đồ trang trí nhà cửa
Việc trang trí nhà
cửa trong dịp Tết không chỉ mang lại không khí tươi vui, rộn ràng mà còn thể hiện
niềm tin về sự may mắn, thịnh vượng. Những món đồ không thể thiếu trong danh
sách trang trí nhà cửa ngày Tết.
Hoa Tết:
Hoa Tết luôn là món đồ trang trí đầu bảng cho mỗi gia đình. Ở miền Bắc, hoa đào
với sắc hồng tươi thắm là biểu tượng của sự sinh sôi, may mắn và thịnh vượng.
Trong khi đó, người dân miền Nam ưa chuộng hoa mai vàng tượng trưng cho phú quý
và quyền lực. Cùng với hoa đào và hoa mai, cây quất cảnh cũng được người dân lựa
chọn với ý nghĩa mang đến quả ngọt bội thu, đầm ấm và an khang.
Đồ trang trí Tết:
Bên cạnh các loại hoa, đồ trang trí cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo
nên không khí Tết. Những đồ trang trí thường được treo ở cửa hoặc trong nhà,
mang theo lời chúc tốt lành cho năm mới. Vật phẩm trang trí Tết thường được làm
từ giấy, vải, hay nhựa, với hình dáng bắt mắt như hình ông đồ, bánh chưng, bánh
tét, hay hình các con giáp của năm đó.
Đèn lồng, đèn
nháy: Đây là hai loại đèn phổ biến trong dịp Tết. Những chiếc
đèn lồng với sự đa dạng về màu sắc và kiểu dáng thường được treo trước cửa nhà
hoặc trong phòng khách, tạo nên vẻ đẹp trang trọng và ấm áp. Đèn nháy với những
ánh sáng lung linh được trang trí trên cây quất, cây đào hoặc giữa các gian
phòng, mang lại không khí vui tươi và sống động.
Câu đối Tết: Những câu đối thường được viết bằng chữ Hán hay chữ Quốc ngữ, với nội dung ca ngợi mùa xuân, chúc phúc, cầu an lành. Câu đối được dán hoặc treo trước cửa nhà, nơi trang trọng như phòng khách, thể hiện tâm ý và mong muốn của gia chủ.
Trang phục
Danh sách những thứ
cần mua sắm Tết của nhiều gia đình không bao giờ thiếu trang phục. Đặc biệt,
các bạn trẻ luôn sắm đồ mới khi có dịp trưng diện và Tết Nguyên đán là cơ hội
không thể bỏ qua. Dành cho những ngày đầu
năm mới, bạn có thể chọn áo dài, trang phục rất phù hợp với cảnh quan và không
khí Tết cổ truyền; hoặc những bộ đồ theo xu hướng. Mặc đồ mới, đẹp cũng là cách
mà nhiều người thể hiện hy vọng về một khởi đầu mới, một năm tràn đầy may mắn
và thịnh vượng.
Quà biếu Tết
Bạn có thể tham khảo
những món quà Tết phổ biến và ý nghĩa để tặng người thân, bạn bè như giỏ quà Tết,
bánh mứt truyền thống, trà cà phê cao cấp, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hoa -
cây cảnh...
Mỗi món quà Tết đều
mang những ý nghĩa và thông điệp riêng. Khi lựa chọn, hãy dựa trên sở thích và
nhu cầu của người nhận để món quà trở nên thiết thực và mang lại niềm vui trọn
vẹn.
Ngoài ra, bạn cần
mua phong bao lì xì cho dịp Tết. Đây không chỉ là món quà vật chất mà còn là lời
chúc mừng năm mới phát tài, thịnh vượng và nhiều may mắn. Phong bao lì xì được
trang trí đẹp mắt, thường có các họa tiết truyền thống và lời chúc ý nghĩa.
Sắm Tết không chỉ
là hoạt động mua sắm đơn thuần mà còn là dịp để gắn kết tình cảm gia đình, bạn
bè và gìn giữ văn hóa truyền thống. Với danh sách những thứ cần mua sắm Tết
trên, bạn có thể chuẩn bị chu đáo cho cả nhà đón xuân.