Dịp cuối năm, hàng loạt sự kiện âm nhạc, giải trí quy mô lớn được tài trợ bởi các thương hiệu trong và ngoài nước diễn ra. Những sân khấu hiện đại, tầm cỡ, quy tụ hàng loạt ca sĩ hạng A,... với mức chi phí lên tới hàng chục tỷ đồng, nhưng lại thu mức vé khiêm tốn hoặc hoàn toàn miễn phí cho mọi người. Vậy, các thương hiệu đang hướng tới mục tiêu gì khi chạy đua “đốt tiền” cho các sự kiện cuối năm?


Cuộc đua sự kiện âm nhạc vào dịp cuối năm

Thời điểm cuối năm cũng là lúc các thương hiệu liên tục chạy đua với hàng loạt sự kiện âm nhạc lớn nhỏ trên khắp cả nước. Từ những nhãn hàng Tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm, cho tới các nhãn hàng FMCG, hay các thương hiệu về xe cộ, công nghệ,... tổ chức các sự kiện âm nhạc đang trở thành một xu hướng mới giúp làm nóng tên tuổi vào dịp cuối năm và đặc biệt là tiếp cận nhóm khách hàng trẻ. Không ngoại lệ, mùa cuối năm 2023 tiếp tục được các thương hiệu làm nóng cùng hàng loạt sự kiện âm nhạc lớn nhỏ trải dài từ Hà Nội, HCM, Đà Nẵng,.... Tiêu biểu phải kể đến một số sự kiện nổi bật như:

VP Bank: VP Bank là một trong những cái tên rất được lòng giới trẻ bởi loạt sự kiện âm nhạc quy mô lớn, tiêu biểu như chuỗi đại nhạc hội “Light Up Viet Nam”. Mới đây VP Bank tiếp tục gây sốt khi trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho đêm diễn của Westlife tại Việt Nam, dành tặng hơn 5000 vé tham dự miễn phí cho khách hàng của mình.

TP Bank: Không kém cạnh đối thủ, TP Bank trở thành thương hiệu ngân hàng chiếm sóng tháng 11 khi tổ chức thành công đại nhạc hội “2in1 Concert” miễn phí với sự tham gia của nhiều gương mặt nghệ sĩ hạng A.

Modern: Nối tiếp TP Bank, Modern cũng dành tặng khách hàng một đêm nhạc miễn phí Modern Music Festival “Ngày Mới Đã” ngay tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục vào ngày 2/12 vừa qua.

Honda: Honda Thanks Day 2023 diễn ra vào hai ngày 9 và 10 tháng 12 là một tổ hợp sự kiện giải trí hấp dẫn kết hợp giữa diễu hành, trải nghiệm sản phẩm và âm nhạc với sự tham gia của nhiều ngôi sao như Hieuthuhai, Obito, Gill, Rhyder, Pháp Kiều, Ogenus,....

Heineken Countdown: Countdown Party Hà Nội 2024- Sự kiện làm nên thương hiệu của Heineken qua các năm vào một thời điểm cụ thể, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.


Ngoài ra, còn có các thương hiệu khác như Tiger, Acecook, Pepsi,... quen thuộc trong các sự kiện giải trí cuối năm. Đặc biệt, hầu hết các sự kiện đều được tổ chức với quy mô rất lớn, thiết kế sân khấu hiện đại, diễn ra tại vị trí đắc địa, cùng dàn nghệ sĩ nổi tiếng, đủ để thấy được mức chi phí không hề nhỏ mà các thương hiệu đã phải bỏ ra. Tuy nhiên, phần lớn sự kiện này hoàn toàn miễn phí, tặng vé cho khách hàng hoặc bán vé với những điều kiện đơn giản như tải app, mua sản phẩm,...

Phải chăng các thương hiệu đang chấp nhận “đốt tiền” cho các sự kiện cuối năm chỉ để chiều lòng khách hàng?

Thương hiệu nhận được lợi ích gì từ các sự kiện miễn phí?

Thả con săn sắt, bắt con cá rô

Phía sau mỗi sự kiện là hàng loạt hiệu ứng truyền thông bùng nổ, có thể mang lại sức ảnh hưởng lớn gấp nhiều lần quảng cáo thông thường nếu thương hiệu có hướng khai thác phù hợp. Từ bài đăng của nghệ sĩ trong chương trình, cho tới các bài báo đưa tin hot về sự kiện, Fanpage thương hiệu,...

Và hơn hết là có được UGC - User Generated Content được tạo nên từ chính khán giả thông qua những bài đăng, hình ảnh check-in của họ về sự kiện, những đoạn cắt biểu diễn của nghệ sĩ được đăng tải trên TikTok,... Mỗi khán giả vô tình trở thành một kênh truyền thông miễn phí cho thương hiệu, tạo nên độ phủ sóng lớn trên mạng internet mà thương hiệu không cần tốn thêm chi phí quảng cáo nào. Như vậy, chỉ với một sự kiện bỏ ra, thương hiệu đã “lãi” được rất nhiều kênh truyền thông tự nhiên, có sức ảnh hưởng sâu sắc đến người tiêu dùng hơn nhiều so với quảng cáo thông thường.

Ngoài ra, không khó để thấy mục tiêu của các sự kiện âm nhạc, giải trí nhắm thẳng đến giới trẻ - nhóm người tiêu dùng đang dần thống trị thị trường hiện nay. Điều đoó cho phép thương hiệu đến gần hơn với giới trẻ bằng cách gia nhập vào văn hóa, đời sống, nhu cầu vui chơi giải trí của họ, tạo nên những tương tác trực tiếp, mật thiết trong sự kiện. Nếu thương hiệu “làm bạn” cùng giới trẻ, chắc chắn sẽ luôn có được một vị thế vững chắc, thân thiết hơn đối với tệp khách hàng này.


Điểm nhấn truyền thông nổi bật giữa cơn bão quảng cáo cuối năm

Cuối năm là thời điểm mà các thương hiệu lớn nhỏ đều đang chạy đua theo các chiến dịch marketing, khiến cho người tiêu dùng cảm thấy ngột ngạt, bội thực bởi quảng cáo. Vì vậy những hình thức quảng cáo nhỏ lẻ rất khó để tiếp cận và tạo ấn tượng nổi bật với người tiêu dùng, cho dù thương hiệu có chạy quảng cáo ồ ạt đến mức nào.

Vì vậy, thay vì dàn trải ngân sách trên quá nhiều hạng mục marketing mà không mang lại hiệu quả, thì các thương hiệu có thể tập trung nguồn lực để đầu tư cho một sự kiện ấn tượng, tạo nên một điểm nhấn truyền thông thực sự bùng nổ nhất. Khi đó, thông điệp của thương hiệu cũng được truyền tải rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn tới nhóm khách hàng mục tiêu, tối ưu hiệu quả của ngân sách marketing đã bỏ ra.

“All-in-one”- Kết hợp đa hoạt động: Push sale, Sampling,... trên cùng một sự kiện

Mặc dù cung cấp vé miễn phí nhưng thay vào đó thương hiệu “có quyền” yêu cầu một số quyền lợi đơn giản hơn từ phía người tiêu dùng. Đó có thể là check-in trên trang cá nhân để tăng độ phù sự kiện, tải app, đăng ký mua sản phẩm để được tặng vé miễn phí,...

Bên cạnh đó, trong khuôn viên sự kiện còn có thể kết hợp đa dạng hoạt động tương tác như: Trải nghiệm sản phẩm, Bán hàng trực tiếp, Sampling, tư vấn sản phẩm, đăng ký thành viên,... Tâm trạng thoải mái của khách hàng trong một sự kiện giải trí miễn phí sẽ khiến họ trở nên cởi mở và dễ tiếp nhận thương hiệu hơn.

Tạm kết

Tựu trung, dù phải chi trả một nguồn ngân sách lớn để tổ chức hoạt động miễn phí, nhưng thương hiệu không “lỗ”, mà nhận được rất nhiều lợi ích về mặt truyền thông, đẩy bán và đặc biệt là mức độ gắn kết sâu sắc hơn đối với khách hàng. Thậm chí, việc sử dụng ngân sách marketing sẽ tối ưu và tiết kiệm hơn nếu thương hiệu biết cách phối hợp các kênh truyền thông và các hoạt động khác trong sự kiện.

MaketingAI