Hiện Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh dẫn đầu là Nga (thường được gọi là OPEC+) cung ứng hơn 40% trong tổng số 100 triệu thùng dầu mỗi ngày của sản lượng toàn cầu. Bởi vậy OPEC+ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá nhiên liệu toàn cầu thông qua chính sách cung ứng dầu của mình.

Trong khi đó các quan chức hàng đầu ở cả Ảrập Xêút và Nga thời gian gần đây đều cho biết, trọng tâm chính sách của nhóm là đảm bảo rằng nguồn cung dầu toàn cầu phù hợp với nhu cầu chứ không phải bảo vệ một mức giá nhất định.

"Trọng tâm của chúng tôi rất đơn giản - xem xét cân bằng cung và cầu trong khoảng thời gian không dưới một năm và thường xuyên nhất là một năm rưỡi", một nguồn tin cấp cao của OPEC+ có hiểu biết về vấn đề này nói với Reuters.

Thế nhưng theo các chuyên gia, giá cả chính là một thước đo quan trọng của cân bằng cung - cầu. Khi cầu có nguy cơ vượt cung, giá sẽ tăng và ngược lại. Vì vậy tuyên bố của các thành viên trong nhóm và việc họ tăng hay giảm nguồn cung cho biết những gì các nhà sản xuất coi là mức giá hợp lý cho dầu của họ.

Các tín hiệu gần đây cho thấy mức giá ưa thích khoảng 90 - 100 USD/thùng đối với dầu thô Brent, ba nguồn tin quen thuộc và các nhà phân tích nói với Reuters.

Dầu thô được giao dịch ở mức 100 - 120/thùng trong phần lớn thời gian của quý hai. Điều đó đã khiến nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao quan ngại. Mỹ đã dẫn đầu các quốc gia trong việc kêu gọi Ảrập Xêút và các nhà sản xuất khác tăng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu.

Nhưng các nhà sản xuất dầu hàng đầu, bao gồm cả Ảrập Xêút, đã đưa ra tuyên bố công khai trong những tuần gần đây về việc sẽ hỗ trợ giá dầu khi giá "vàng đen" đã giảm xuống 90 USD trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu và nhu cầu suy yếu.

Không dừng lại ở những tuyên bố mà OPEC+ còn thực hiện cắt giảm sản lượng dầu, dù chỉ ở mức tượng trưng là 100.000 thùng/ngày. Hành động này được nhiều nhà phân tích xem là tín hiệu cho thấy OPEC+ sẽ bảo vệ giá trên mức 90 USD.

Tuy nhiên Reuters dẫn lời một nguồn tin riêng về các cuộc tranh luận của chính phủ Ảrập Xêút và một nguồn khác trong ngành cho biết, mức giá mong muốn đã tăng lên do chi phí sản xuất và lạm phát tăng, có nghĩa là các nhà sản xuất cần tạo ra doanh thu cao hơn từ dầu để cân bằng ngân sách của họ.

"Giá dầu ở mức 120-130 USD là rủi ro và Ảrập Xêút sẽ ngăn chặn điều đó, nhưng ở mức 100 USD, nó sẽ không có tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu và Ảrập Xêút sẽ cảm thấy thoải mái với mức giá đó", một trong ba nguồn tin cho biết.

Theo các nhà phân tích, kho tài sản của các quốc gia khai thác dầu mỏ, bao gồm cả Ảrập Xêút, đã cạn kiệt do giá dầu lao dốc vào năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên hiện giá tăng cao đang giúp họ nạp đầy kho bạc của mình. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 4 đã dự đoán, giá dầu hòa vốn của Ảrập Xêút - mức giá dầu mà nước này sẽ cân bằng ngân sách - chỉ là 79,20 USD/thùng.

Nguồn tin quen thuộc với chính phủ Ảrập Xêút cũng cho biết, giá dầu ở mức 100 USD cũng cần thiết để các công ty trên thế giới duy trì mức đầu tư lành mạnh để đảm bảo nguồn cung theo kịp nhu cầu.

Trên thực tế, Ảrập Xêút và OPEC cũng đã từng ủng hộ giá dầu ở mức 100 USD vào nhiều thời điểm khác nhau. Các nguồn tin cho biết, Ảrập Xêút lần đầu tiên tán thành giá dầu ở mức 100 USD vào năm 2012 và vào năm 2018, các quan chức Ảrập Xêút đã nói trong các cuộc họp riêng rằng giá dầu từ 80 đến 100 USD là đáng mơ ước.

Tuy nhiên niềm mơ ước đó đã phải dừng bước do sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ dẫn đến tình trạng dư cung toàn cầu, hay sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Thế nhưng hiện nguồn cung thắt chặt đang hỗ trợ giá trở lại. Tăng trưởng dầu đá phiến đã giảm xuống dưới mức mà OPEC quan ngại, trong khi các nhà dự báo vẫn kỳ vọng nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trưởng vững chắc vào năm 2023 bất chấp tăng trưởng kinh tế yếu hơn và lo ngại suy thoái.

Tamas Varga của nhà môi giới dầu PVM cho biết, OPEC+ đang tìm kiếm mức giá tối thiểu là 90 USD.

 TBNH