Theo đó, 2 vùng trọng tâm phát triển bao gồm :“Vùng đô thị trung tâm Bắc sông Đuống” và “Vùng Nam sông Đuống”. 5 hành lang phát triển bao gồm: Hành lang đô thị - dịch vụ; Hành lang Công nghiệp - Đô thị; Hành lang phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp sinh thái công nghệ cao; Hành lang phát triển đô thị dịch vụ dọc quốc lộ 38 và đường Vành đai 4; Hành lang sinh thái và phát triển du lịch trải nghiệm lịch sử và thời gian dọc sông Đuống, lấy dòng sông Đuống lịch sử làm trung tâm.

Với vị trí thuận lợi về giao thông đường bộ và đường không, các tuyến đường huyết mạch nối liền Bắc Ninh với các trung tâm kinh tế, văn hóa và thương mại của khu vực phía Bắc Việt Nam, với cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đi cửa khẩu Lạng Sơn, cửa khẩu Móng Cái, cũng như cảng biển Hải Phòng, Hạ Long và liên thông với hệ thống các trục đường quốc lộ đến với mọi miền trong cả nước. Khai thác lợi thế đó, nhằm tạo vị thế và nâng tầm hành lang công nghiệp, Bắc Ninh tăng cường các nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng các KCN để thu hút đầu tư, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất. Trong tổng thể 16 KCN được quy hoạch, hiện có 24 dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng được Quyết định chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh gần 2,119 tỷ USD. Trong đó, 3 dự án do doanh nghiệp FDI làm chủ đầu tư, tổng với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh 263,91 triệu USD; 21 dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 35.875,10 tỷ đồng tương đương 1.854,54 triệu USD. Hiện có 15/24 dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng đã đi vào hoạt động, 9/24 dự án hạ tầng KCN đang triển khai, với tổng diện tích 6.397 ha.

Các KCN trọng điểm như: KCN Tiên Sơn, tổng diện tích là 350 ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng là 1.401,15 tỷ đồng; KCN VSIP Bắc Ninh nằm tại nút giao lập thể giữa QL.1 mới và đường TL.295, cách thủ đô Hà Nội 16 km, cách cảng Hải Phòng 100 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 39 km, tổng diện tích là 485 ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng là 80 triệu USD; KCN Yên Phong và Yên Phong mở rộng nằm sát đường QL.18, cách Hà Nội 30 km, có diện tích là 658 ha (KCN Yên Phong diện tích là 344 ha và KCN Yên Phong mở rộng diện tích là 314 ha); KCN Thuận Thành II,  diện tích 252 ha,tổng vốn đầu tư hạ tầng là 80 triệu USD.  Đặc biệt KCN Yên Phong II, phân khu A diện tích 151,27 ha, tổng vốn đầu tư 1.830 tỷ đồng; phân khu B diện tích 282,67ha và vốn đầu tư hạ tầng 2.358,78 tỷ đồng; phân khu C diện tích 221,03 ha, vốn đầu tư hạ tầng:2.234 tỷ đồng… Một số KCN đang triển khai như: KCN Thuận Thành III (phân khu C); KCN Gia Bình; KCN Gia Bình II…

Các KCN được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với hạ tầng xã hội, bảo đảm an sinh cho người dân và công nhân lao động, được nhiều doanh nghiệp đầu tư đánh giá cao và tiếp tục mở rộng đầu tư. Ví dụ như Tập đoàn Goertek Trung Quốc vừa đầu tư thêm 1 dự án mới 280 triệu USD, và mở rộng 1 dự án đang hoạt động. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động tiêu cực, thì ngay trong cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua Bắc Ninh đón tiếp gần 200 doanh nghiệp thuộc ngành điện tử của Trung Quốc, Đài Loan đến tìm hiểu và xúc tiến đầu tư. Đến nay, Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.867 dự án đến từ 39 quốc gia, vùng lãnh thổ (Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, các nước châu Âu... ), tổng vốn đầu tư hơn 24,2 tỷ USD đầu tư vào 16 ngành lĩnh vực. Trong đó chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo (phần lớn là công nghiệp điện tử).

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh, để nâng tầm các KCN lên tầm cao mới tạo sức hút mới đối với các nhà đầu tư, cùng với việc đôn đốc lập và điều chỉnh quy hoạch đối với các KCN đã được phê duyệt, Ban tập trung thực hiện nhiệm vụ thành viên Tổ giúp việc Hội đồng tham gia ý kiến đối với Đồ án Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 để đề xuất bổ sung thêm một số KCN mới, tại các địa phương như: KCN Đô thị - Dịch vụ, 2 KCN khác (Lương Tài); 1 KCN trên địa bàn huyện Gia Bình với quy mô 250h; 1 KCN trên địa bàn thị xã Quế Võ quy mô 150ha; quy hoạch khu đất dự kiến điều chỉnh vị trí KCN Hanaka tiếp giáp, đối diện KCN Gia Bình II và nằm hoàn toàn ở phía Bắc đường TL.282B để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh và làm cơ sở lập Đề án quy hoạch phát triển KCN.

Từ việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN, Bắc Ninh được đánh giá là điểm sáng trong công tác thu hút đầu tư của cả nước, vươn lên trở thành tỉnh đứng thứ 7 cả nước về quy mô vốn đầu tư thu hút. Nhờ các giải pháp tập trung đầu tư hạ tầng các KCN cùng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo cho môi trường đầu tư của tỉnh Bắc Ninh ngày càng hoàn thiện và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ của khu vực và cả nước.

BBN