Là thành viên hoàng gia và sau là Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã tham dự hầu hết cuộc họp của OPEC trong 35 năm qua. Theo thời gian, vị hoàng tử trở thành nhân vật quyền lực hàng đầu trong lĩnh vực dầu khí thế giới.

Chuyến bay ngày 7/3/2020 của Bộ trưởng Abdulaziz bin Salman đánh dấu một trong các sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử ngành dầu mỏ. Hơn nữa, những gì xảy ra về sau cũng tác động mạnh đến giá dầu thô.

Bên trong chiếc Boeing 767 ngày hôm đó là vị hoàng tử và hơn chục phụ tá đang trên đường trở về nhà sau cuộc họp náo loạn của OPEC+ ở Vienna (Áo) một ngày trước, Bloomberg cho hay.

Thời điểm đó, giới quan sát không biết rằng một loạt quyết định của Hoàng tử Abdulaziz trong 24 giờ tới sẽ đánh dấu chính sách dầu mỏ mới của Arab Saudi: táo bạo hơn, hạn chế sự ràng buộc của Washington và bất chấp sự ủng hộ ngày càng lớn của chính phủ toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, các quyết sách của Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi còn phản ánh tham vọng mà ông coi là định mệnh của chính mình: đảo bảo rằng thùng dầu thô cuối cùng trên Trái đất phải đến từ một giếng dầu của đất nước Trung Đông này.

Tại một cuộc họp riêng do Bank of America tổ chức vào tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Abdulaziz từng nhấn mạnh thêm: "Arab Saudi sẽ là nhà sản xuất cuối cùng còn trụ vững, và mỗi giọt dầu trên thế giới sẽ đến từ đất nước chúng tôi".

Đàm phán bất thành, OPEC+ không có tiếng nói chung

Tại cuộc họp đặc biệt của OPEC+ vào tháng 3/2020, Arab Saudi và Nga đã bất đồng chính kiến về cách ứng phó với COVID-19, đại dịch đang bắt đầu lan rộng trên toàn cầu. Moscow, vốn không muốn giảm sản lượng, đề nghị OPEC+ tiếp tục quan sát tình hình. Ngược lại, Riyadh muốn giảm sản lượng ngay lập tức.

Thông qua mối liên hệ với các nhà máy lọc dầu trên khắp thế giới, Arab Saudi đã sớm nhận ra rằng đại dịch COVID-19 sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Do đó, Hoàng tử Abdulaziz muốn hành động để ngăn giá dầu thô lao dốc.

 Cuộc họp kết thúc mà không có thỏa thuận. Đáng lo ngại là ông Alexander Novak, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga khi đó, đã chia sẻ với các phóng viên rằng: "Với kết quả hôm nay, tất cả nước thành viên OPEC+ không có nghĩa vụ phải giảm sản lượng từ ngày 1/4".

Mọi con mắt đổ dồn vào Bộ trưởng Abdulaziz. Khi được hỏi Arab Saudi có nối gót Nga hay không, ông đáp: "Các anh cứ đoán xem!"


Trụ sở hoành tráng của Saudi Aramco tại Dhahran. (Ảnh: Aramco).

Sau cuộc họp, Hoàng tử Abdulaziz và đoàn tùy tùng lên máy bay và rời đi. Song, chiếc Boeing 767 không hạ cánh ở thủ đô Riyadh, nơi đặt văn phòng của Bộ Năng lượng Arab Saudi cũng như tư dinh của ông Abdulaziz.

Trái lại, chiếc máy bay tiếp tục đi qua vùng sa mạc của Arab Saudi và sau đó bay về phía bờ biển vịnh Ba Tư. 3h35 chiều ngày cùng ngày, máy bay hạ cánh xuống căn cứ không quân King Abdulaziz, một khu phức hợp quân sự gần Dhahran - trung tâm ngành công nghiệp dầu mỏ của Arab Saudi. Hoàng tử Abdulaziz tiến thẳng đến trụ sở của Saudi Aramco, tập đoàn dầu khí quốc gia.

Tung chiêu phản đòn, chứng minh quyền kiểm soát của Arab Saudi

Trong nhiều năm qua, Arab Saudi tin rằng họ phải luôn hợp tác cùng các nhà sản xuất dầu mỏ khác thay vì "đơn thương độc mã". Tại Dhahran, Hoàng tử Abdulaziz quyết định tạm thời gạt bỏ quy tắc này để chứng minh Riyadh đang chịu trách nhiệm kiểm soát thị trường cũng như dạy cho Nga và Tổng thống Vladimir Putin một bài học.

Khi vào bên trong tòa nhà điều hành của Saudi Aramco, Abdulaziz đã đưa ra một yêu cầu gây sốc. Ông ra lệnh cho công ty năng lượng lớn nhất thế giới tăng sản lượng lên mức tối đa.

Tại ngày 8/3/2020, khi thị trường dầu mỏ đóng cửa không giao dịch, Arab Saudi đã phát động một cuộc chiến giá dầu toàn diện. Họ thông báo sẽ bắt đầu bơm 12 triệu thùng dầu thô/ngày, tăng hơn 20% so với tháng trước.

Đối với thị trường năng lượng, chiêu phản đòn của Riyadh tương đương với một cuộc tấn công hạt nhân, Bloomberg nhận xét. Để đẩy khối lượng lớn dầu thô như thế ra thị trường, Saudi Aramco đã đặc biệt hạ giá dầu, mức chiết giấu lớn nhất từ trước đến nay.

Động thái của tập đoàn này tác động lớn đến các nhà máy lọc dầu ở châu Âu, và gây ảnh hưởng nặng nề đến thị trường truyền thống của Nga.

Khi thị trưởng mở cửa trở lại vào tối ngày 8/3, giá dầu Brent lao dốc gần 25% chỉ trong vài giây, là mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ tháng 1/1991 (tức là thời điểm xảy ra Chiến tranh vùng Vịnh).

Thiệt hại từ đòn phản công của Arab Saudi vượt ra khỏi phạm vi thị trường dầu mỏ. Chỉ số ngành năng lượng thế giới của MSCI, một rổ gồm cổ phiếu của các đại gia xăng dầu toàn cầu như Exxon Mobil, Chevron, Royal Dutch Shell, Total và BP, mất gần 19%. Giá trị cổ phiếu bốc hơi khoảng 330 tỷ USD.

Tâm lý hoảng loạn lan tới Nhà Trắng. Arab Saudi không hề thông báo trước cho Washington, chính quyền Tổng thống Trump khi đó ngỡ ngàng, ngơ ngác. Tại Mỹ, ngành công nghiệp dầu mỏ được coi là một tài sản chiến lược, có ảnh hưởng tới chính trị.

 

Giá dầu cắm đầu trong khi các nhà khai thác dầu thô rối bời đúng như tính toán của Hoàng tử Abdulazi bin Salman. Ngay cả ông Trump cũng không thể khoanh tay đứng nhìn, theo Bloomberg.

Trong tuần đầu tiên của tháng 4, ông Trump đã triệu tập các giám đốc cấp cao của ngành dầu mỏ về Nhà Trắng và hứa hẹn tìm cách giải quyết. Sau đó, ông tổ chức một loạt các cuộc điện đàm, trong đó có các cuộc trò chuyện với Tổng thống Putin của Nga và Vua Salman của Arab Saudi.

Đến ngày 12/4, sau 36 ngày căng thẳng tột độ, Riyadh và Moscow đã đồng ý giảm sản lượng dầu thô mạnh nhất từ trước đến nay để cùng xoa dịu thị trường. Qua đó, Hoàng tử Abdulaziz đã chặn đứng lời khước từ của Nga trước đó.

Tương lai gập ghềnh nhưng Arab Saudi quyết không từ bỏ nguồn thu lớn

Quyền lực của Arab Saudi cũng như của Bộ trưởng Bộ Năng lượng Abdulaziz bin Salman đang bị đe dọa vì thế giới muốn từ bỏ dầu thô và các nhiên liệu hóa thạch khác, Bloomberg cho hay.

Bên dưới vùng sa mạc rộng lớn của Arab Saudi có khoảng 265 tỷ thùng dầu, tính theo mức giá hiện nay thì chúng trị giá gần 20.000 tỷ USD. Đó là một khoản tiền khổng lồ, nhưng một ngày nào đó có thể trở thành con số 0 tròn trĩnh nếu nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tránh xa dầu thô.

"Arab Saudi đang rơi vào hoàn cảnh không mấy thuận lợi", bà Karen Young, thành viên cấp cao của Viện Trung Đông (Washington, Mỹ), nhận định. "Thị trường dầu thô vẫn sẽ có khách trong 10 đến 20 năm nữa. Song, các nhà sản xuất phải cạnh tranh để kiếm khách".

Tháng 9 năm ngoái, ông Abdulaziz từng chủ trì cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng thuộc khối G20. Các nhà bảo vệ môi trường từ lâu đã cáo buộc Arab Saudi cản trợ nỗ lực giảm khí thải carbon của các nước trên thế giới.

Trong vài thập kỷ qua, Arab Saudi đã chuyển từ phủ nhận vấn đề biến đổi khí hậu sang ủng hộ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhưng Riyadh chưa bao giờ quên bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của nước này: dầu thô.

Một vài năm trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) từng cảnh báo rằng nhu cầu năng lượng của thế giới đang chững lại. Tuy nhiên, Hoàng tử Abdulaziz không nao núng trước dự báo của IEA.

Gần đây hơn, IEA đã kêu gọi các nhà sản xuất dầu thô nên ngừng đầu tư mới vào nhiên liệu hóa thạch để tránh hiện tượng nóng lên toàn cầu. Phát biểu tại một cuộc họp của OPEC+ vào tháng 6 năm nay, ông Abdulaziz cho rằng ý tưởng này thật viển vông.

Riyadh tin rằng, thời điểm nhu cầu dầu thô đạt đỉnh còn xa, nằm ngoài tầm dự đoán của các nhà vận động môi trường và dự báo của một số chuyên gia năng lượng. Quan điểm của Arab Saudi đã được củng cố trong một năm rưỡi qua.

Sau khi nhu cầu dầu thô lao dốc vào năm 2020, một số tổ chức cảnh báo rằng tiêu thụ dầu mỏ đang giảm nhanh. Song, trái ngược với các nhận định này, nhu cầu thực tế lại tăng nhanh và IEA cho biết số liệu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại vào cuối năm 2022.

Dưới áp lực từ cổ đông, các công ty dầu khí hàng đầu như Exxon Mobil và Royal Dutch Shell đang bị buộc phải giảm chi tiêu cho các dự án thăm dò mới. Arab Saudi tin tưởng cơ hội đang mở ra trước mắt mình. Riyadh sẽ đầu tư ngay bây giờ, khi những đối thủ tạm dừng lại và từ đó chiếm thêm thị phần.

"Trớ trêu thay, càng có nhiều ông lớn hạn chế đầu tư mới, thì chúng tôi càng có cơ hội cải thiện sản lượng trong nước", Hoàng tử Abdulaziz chia sẻ tại sự kiện do Bank of America tổ chức hồi tháng 6/2021.

Trong tương lai, để duy trì vị thế là một siêu cường dầu mỏ, chính sách hàng đầu của Arab Saudi chính là nắm quyền kiểm soát. Những gì Bộ trưởng Abdulaziz làm với Nga trong cuộc chiến giá dầu năm 2020 là một minh chứng.

Một trong những chiến lược của Arab Saudi để giữ vững sức mạnh là biến OPEC thành một dạng ngân hàng trung ương, kiểm soát nguồn cung dầu thô tương tự cách Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kiểm soát nguồn cung tiền tệ.

Gần đây, ngay cả bế tắc tại cuộc họp của OPEC+ đầu tháng 7 vừa qua, người đứng đầu Bộ Năng lượng Arab Saudi cũng có thể xử lý được, dù trên thực tế là Arab Saudi và Nga phải nhượng bộ UAE một chút. Song, cuối cùng, nước hưởng lợi nhiều nhất vẫn là Arab Saudi.

Nguồn : cafebiz