Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản công bố mới đây, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 của nước này giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này trái ngược với dự báo của giới phân tích là tăng 0,5%. Đây là lần đầu trong 10 tháng, xuất khẩu của Nhật Bản đi xuống.
Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của
nước này - giảm nhập hàng hóa từ Nhật Bản khoảng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàng từ Nhật sang Mỹ cũng ít hơn 2,4%. Nguyên nhân do nhu cầu xe hơi Nhật tại
hai nước này yếu.
"Nhiều khả năng xuất khẩu tiếp tục
khó khăn trong vài tháng tới, do bất ổn từ kinh tế Trung Quốc", Kazuma
Kishikawa - nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Daiwa cho biết. Ông nhận định
các gói kích thích tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chưa mang lại
hiệu quả như kỳ vọng.
Đây là mối lo với các nhà hoạch định chính
sách. Nhu cầu thế giới yếu đi trong thời gian dài, khiến nỗ lực chấm dứt thời kỳ
nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản thêm phức tạp. Hồi tháng 3, Ngân hàng Trung ương
Nhật Bản (BOJ) ngừng áp dụng lãi suất âm sau 8 năm.
Việc đồng Yên tăng giá gần đây, sau khi
BOJ nâng lãi suất cuối tháng 7, cũng khiến xuất khẩu giảm khi quy đổi về nội tệ.
"Số liệu mới nhất là lời nhắc nhở với BOJ rằng đồng yen tăng giá mạnh có
thể kéo tụt xuất khẩu", Kishikawa cho biết. Dù vậy, theo ông mức giảm nhẹ
này khó ảnh hưởng đến các quyết định lãi suất trong tương lai của BOJ.
Nhập khẩu tăng 2,1% so với năm ngoái, thấp
hơn dự báo của thị trường. Việc này khiến Nhật Bản thâm hụt 294,3 tỷ yen (gần 2
tỷ USD) trong tháng 9.
Trong bài phát biểu gần đây, Thống đốc BOJ
Kazuo Ueda nhấn mạnh các rủi ro bên ngoài. Ông cho biết giới chức cần thời gian
đánh giá kỹ tình hình trước khi tiếp tục nâng lãi suất. Cuộc họp tiếp theo của
ngân hàng này vào 30-31/10.
Theo VNE