Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản bình quân đạt gần 1,4 tỷ USD/tháng, đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 12,15 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, sản phẩm gỗ 7,84 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023; Gỗ nguyên liệu 3,533 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023; Lâm sản ngoài gỗ 777 triệu USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm của gỗ 9 tháng đầu năm ước đạt 2,005 tỷ USD, tăng 24,9 % so với cùng kỳ năm 2023. Xuất siêu 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,145 tỷ USD. Dự kiến, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản cả năm 2024 đạt so với kế hoạch đề ra.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, trừ 2 thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu giảm nhẹ lần lượt là 2,7 % và 1,4% so với cùng kỳ năm 2023, các thị trường nhập khẩu chính còn lại vẫn duy trì tăng trưởng khá mạnh.

Trong đó, Hoa Kỳ đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 54,4 %, tăng 24,7 % so với cùng kỳ 2023; tiếp đến là Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD và châu Âu đạt 630 triệu USD và đều tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo ông Triệu Văn Lực - Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện một số thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của nước ta (EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc) vẫn còn những khó khăn về kinh tế; chính sách bảo hộ sản phẩm hàng hoá, thực hiện chặt chẽ quy định về giải trình gỗ bất hợp pháp, giảm phát thải khí nhà kính, quy định về không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), điều tra về chống bán phá giá và chống trợ cấp của thị trường Hoa Kỳ và Hàn Quốc).

Tình hình thế giới tiếp tục có những xung đột địa chính trị, biến động phức tạp, khó lường, yếu tố rủi ro, bất định gia tăng; tác động giá cước vận tải biển tăng cao dẫn đến giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng (có loại gỗ nhập tăng 40% so với năm 2023), làm giá thành sản phẩm đầu ra tăng, trong khi nhà nhập khẩu nước ngoài yêu cầu giảm giá thành sản phẩm.

Việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) của các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng dăm gỗ, gỗ dán còn gặp nhiều khó khăn, do các thủ tục xác minh tới tận chủ rừng của ngành thuế cần nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, khó khăn về thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Theo đó, hậu quả của cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp cũng chịu thiệt hại rất lớn. Diện tích rừng trồng sản xuất gần 170 nghìn ha bị thiệt hại, đây sẽ làm giảm đáng kể nguồn nguyên liệu phục vụ ngành chế biến gỗ trong thời gian tới. Nhiều cơ sở sản xuất chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại, cần phải đầu tư sửa chữa, khôi phục.

Nhằm đạt và vượt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 là 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng khoảng 6 % so với năm 2023, ông Triệu Văn Lực cho biết, hiện toàn ngành lâm nghiệp đang dồn lực khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, hỗ trợ kịp thời các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất lâm nghiệp, chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản bị thiệt hại nhanh chóng ổn định lại sản xuất. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện hành, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào việc phát triển rừng trồng, chế biến gỗ và lâm sản.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực để chủ động, ứng phó, giải quyết các vụ việc cạnh tranh thương mại, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu do các vụ kiện gây ra. Làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến đầu tư để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm gỗ và lâm sản. Tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt kịp thời những khó khăn, bất cập do cơ chế, chính sách để tháo gỡ cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 470 ngày 26/5/2023 về tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

TCGV