Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tính chung 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Indonesia đạt mức 15,15 tỷ USD, tăng 19,99% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt 5,69 tỷ USD,
tăng 21,7%. Ước tính cả năm 2024, tổng kim ngạch song phương đạt ít nhất 16 tỷ
USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này ước đạt hơn 6 tỷ USD
- mức cao nhất từ trước tới nay.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, kim ngạch thương mại song
phương ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng trong vòng 4 năm trở lại đây, từ mức
8,07 tỷ USD năm 2020 lên mức 16 tỷ của năm 2024. Đáng chú ý, mức tăng trưởng xuất
khẩu của Việt Nam cao hơn nhập khẩu, từng bước góp phần thu hẹp thâm hụt thương
mại giữa hai nước.
Trong giai đoạn 2021-2024 ghi nhận sự chuyển dịch thu hẹp về mức
thâm hụt thương mại do tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, đặc biệt trong
năm 2023 và 2024.
Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu bình quân trong 2 năm này ghi nhận ở
mức 16,9%/năm trong khi nhập khẩu tăng trưởng 4,8%/năm. Mức thâm hụt đã giảm từ
5,12 tỷ USD năm 2022 xuống còn khoảng 3,76 tỷ USD trong 11 tháng năm 2024.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của
nhóm hàng chủ lực Việt Nam là nông sản sang Indonesia trong kỳ đạt 917,69 triệu
USD, tăng 20,4% và chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, gạo là nhóm hàng nông sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu
cao nhất trong kỳ. Tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường
Indonesia trong 11 tháng năm 2024 đạt 1.130.339 tấn, đạt giá trị 679 triệu USD,
tăng 6,2% về lượng và 10,4% về giá trị.
Với giá trị và số lượng gạo xuất khẩu trong kỳ, Indonesia tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam trong 2024. Indonesia cũng là một trung tâm sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn của thế giới, tuy nhiên nhu cầu nhập khẩu cà phê Việt Nam của nước này trong 11 tháng năm 2024 tăng tới 74%, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 203,34 triệu USD, góp phần quan trọng trong gia tăng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản.
Mặt hàng dệt may của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng bất chấp
các biện pháp phòng vệ thương mại của Indonesia, kim ngạch xuất khẩu của nhóm
hàng dệt may vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá cao.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng dệt may, nguyên phụ liệu
trong 11 tháng năm 2024 đạt 887,48 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023,
chiểm tỷ trọng 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu trong kỳ.
Sự tăng trưởng hai con số của nhóm hàng dệt may trong bối cảnh phải
chịu các biện pháp phòng vệ thương mại cho thấy tính cạnh tranh cao của các sản
phẩm dệt may tại thị trường Indonesia.
Một mặt hàng khác là ôtô điện của Việt Nam (Vinfast) lần đầu xuất
khẩu sang thị trường Indonesia, góp phần tăng tính bền vững của kim ngạch xuất
khẩu Việt Nam, giảm thâm hụt thương mại về nhóm hàng ôtô và phụ tùng.
Giá trị xuất khẩu nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng trong
11 tháng năm 2024 đạt 379 triệu USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia nhận định, đóng góp vào sự tăng
trưởng tích cực của xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Indonesia trong năm 2024
là sự nỗ lực, bền bỉ của các doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội ngành nghề Việt
Nam bất chấp nhiều rào cản phi thuế quan từ thị trường lớn nhất Đông Nam Á này.
Bên cạnh đó, là sự chủ động xúc tiến quảng bá, thâm nhập thị trường
Indonesia thông qua các chương trình xúc tiến thương mại hiêu quả như: Vietnam
Sourcing 2024, tổ chức các buổi hội thảo thông tin giới thiệu thị trường
Indonesia, quy định Halal Indonesia, phối hợp các hiệp hội tổ chức các phiên kết
nối giao thương, đầu tư tại thị trường Indonesia...
Sự hỗ trợ của các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương như Vụ Thị
trường Châu Á-Châu Phi, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia trong việc đưa các
doanh nghiệp xuất khẩu tham gia, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm tại một
số hội chợ, triển lãm chuyên ngành lớn tại
Indonesia trong năm 2024, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, tìm kiếm các cơ hội hợp
tác đầu tư kinh doanh tại thị trường Indonesia...
Công tác bảo vệ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trước các biện
pháp phòng vệ thương mại của Indonesia cũng được các đơn vị chức năng của Bộ
Công Thương quan tâm chú trọng. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo
thông tin kịp thời vụ việc, cảnh báo từ xa tới cộng đồng doanh nghiệp, giúp
doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro từ
các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho rằng quan hệ kinh tế,
thương mại song phương hai nước không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ, với giá trị
kim ngạch thương mại song phương tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua có được từ sự
lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm thúc đẩy của lãnh đạo cấp cao nước ta.
Gần đây nhất, tại các buổi tiếp và hội đàm giữa Tổng bí thư Tô
Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Tổng thống đắc cử Indonesia nhân
chuyến thăm tới Việt Nam trong tháng 9/2024, lãnh đạo hai nước đều khẳng định
quyết tâm đưa kim ngạch thương mại song phương lên 18 tỷ USD vào năm 2028. Con
số này có được thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp
kết nối giao thương; tháo gỡ khó khăn và rào cản thương mại nhằm tạo thuận lợi
tiếp cận thị trường hàng hóa của nhau.
Hai bên nhất trí tiếp tục khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh
nghiệp hai nước đầu tư vào thị trường của nhau, nhất là trong các lĩnh vực mới
như: kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ sinh thái
xe điện.
Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh lương thực với
Indonesia và đề nghị Indonesia tạo thuận lợi cho nông sản và các sản phẩm Halal
của Việt Nam tiếp cận thị trường Indonesia. "Đây là những định hướng chỉ đạo
quan trong để thúc đẩy, hiện thực hóa đạt mục tiêu kim ngạch song phương 18 tỷ
USD vào năm 2028", Thương vụ Việt Nam tại Indonesia nhấn mạnh.