Xuất khẩu gạo năm 2024 tiếp tục lập kỷ lục mới cả về sản lượng và kim ngạch, giúp Việt Nam giữ vững vị thế top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Năm 2025 được dự báo có nhiều diễn biến mới từ cả nguồn cung và
nhu cầu lúa gạo thế giới, xuất khẩu gạo
Việt Nam sẽ đối diện những cơ hội và thách thức nào?
Kỷ lục mới
Vượt qua những con số ấn tượng năm 2023, xuất khẩu gạo năm 2024 lần
đầu đạt 9 triệu tấn, thu về 5,8 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng nhưng tăng tới 23%
về giá trị. Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 cũng tăng 16,7% so với năm
2023. Đây là bước bứt phá vô cùng ấn tượng sau 35 năm kể từ khi Việt Nam bắt đầu
xuất khẩu gạo.
Phân tích về kết quả trên, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội
Lương thực Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2024 khi các chuyên gia dự báo sản lượng
lúa gạo có thể sụt giảm vì chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, cộng với
xung đột địa chính trị ở nhiều khu vực đã khiến thị trường lương thực toàn cầu
có xu hướng “nóng” lên.
Trong bối cảnh Ấn Độ đã thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng và
gạo tấm từ giữa năm 2023, trong khi nhiều quốc gia nhập khẩu lương thực tích cực mua vào. Việt Nam đã tính
toán nguồn cung từng mùa vụ, cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an
ninh lương thực quốc gia, và khai thác tốt các cơ hội xuất khẩu. Giá gạo xuất
khẩu của Việt Nam trong năm 2024 cũng tăng ấn tượng, nhiều giai đoạn vượt qua
Thái Lan để dẫn đầu thế giới. Nhờ đó, nông dân trồng lúa có thu nhập, lợi nhuận
tốt.
Về thị trường, gạo Việt Nam đã đi khắp thế giới với khoảng 150 quốc
gia, vùng lãnh thổ. Theo đó, các thị trường nhập khẩu lớn nhất là Philippines,
Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Ghana...; trong đó, Philippines tiếp tục duy
trì là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là nhà
cung ứng gạo hàng đầu của quốc gia này. Trong 11 tháng, xuất khẩu gạo Việt Nam
sang Philippines đã đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài Philippines, năm 2024 chứng kiến nhiều đợt “gom hàng” lúa gạo
từ thị trường Indonesia khi Cơ quan hậu cần quốc gia này liên tục tăng sản lượng
mời thầu, trung bình mỗi tháng mua vào từ 300.000 – 350.000 tấn. Tính đến cuối
tháng 11, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Indonesia đã đạt trên 1,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 679 triệu USD, tăng 6,2% về lượng
và 10,5% giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh các thị trường truyền thống ở châu Á, xuất khẩu gạo sang
thị trường châu Phi cũng tăng trưởng khả quan. Theo Vụ Thị trường châu Á – châu
Phi (Bộ Công Thương), châu Phi là khu vực đang có tốc độ đô thị hóa và thu nhập
người dân tăng nhanh, nhu cầu gạo cũng tăng theo, đặc biệt là các loại gạo
thơm.
Trong khi đó, việc sản xuất lúa gạo khu vực này vẫn còn hạn chế cả
về kỹ thuật và nguồn vốn. Vì vậy, các nhà nhập khẩu ở châu Phi tích cực tìm nguồn
cung gạo thơm từ Việt Nam do chất lượng ổn định và giá cả cạnh tranh. Trong số
đó, Bờ Biển Ngà là quốc gia nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam tại châu lục. Ngoài
ra Ghana, Senegal, Cameroon cũng là những thị trường có kim ngach nhập khẩu gạo
tăng đều qua các năm.
Ngược lại, Trung Quốc từng là một trong những thị trường xuất khẩu
gạo quan trọng của Việt Nam thì những năm gần đây có xu hướng sụt giảm mạnh và
khá thất thường. Nếu như năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu hơn 1 tỷ USD gạo từ Việt
Nam thì đến năm 2019 chỉ còn khoảng 240 triệu USD.
Giai đoạn 2020 -2021 phục hồi thì từ đầu năm 2024 lại quay đầu giảm
sâu. Ước tính cả năm 2024, sản lượng gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc chỉ dạt
250.000 tấn, giảm đến 71% so với cùng kỳ 2023, dù năm 2023 cũng đã giảm nhiều
so với những năm trước.
Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho
biết, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lượng lớn lúa gạo do dân số đông và gạo vẫn là lương thực chính. Tuy
nhiên, nước này cũng tích cực sản xuất lúa gạo nội địa nhằm giảm phụ thuộc vào
lương thực nhập khẩu.
Ngoài việc kiểm soát thông qua hình thức cấp phép doanh nghiệp nhập khẩu, Trung Quốc cũng liên tục nâng tiêu chuẩn về chất lượng và mẫu mã bao bì đối với gạo thơm, gạo cao cấp. Ở phân khúc này, gạo Việt phải cạnh tranh rất gay gắt từ gạo cùng loại của Thái Lan, Campuchia. Còn với phân khúc gạo chế biến, Trung Quốc ưu tiên nhập khẩu hàng giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan,…
Riêng với phân khúc gạo chất lượng cao, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch
HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, sản lượng và
giá trị xuất khẩu các sản phẩm gạo cao cấp, gạo đặc sản năm 2024 có tăng nhưng
không nhảy vọt như các loại gạo thông thường.
Theo đó, gạo cao cấp, gạo đặc sản đã được xuất khẩu đi thị trường
EU, Nhật Bản, Maaysia với giá ổn định trên 1.000 USD/tấn trong những năm trước,
nhu cầu của khách hàng phân khúc này cũng không biến động nhiều. Trong bối cảnh
kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và nhiều xung đột, doanh nghiệp xuất khẩu gạo
cao cấp khó đẩy giá lên cao.
Phác thảo bức tranh 2025
Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 6 tỷ USD và lập kỷ lục mới trong hai
năm liên tiếp, liệu gạo Việt Nam có còn nhiều dư địa tăng trưởng trong năm
2025? Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nguồn cung lúa gạo toàn cầu
năm 2025 sẽ tăng và sản lượng xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 sẽ cao hơn năm
2024 khoảng 2,3 triệu tấn lên 56,3 triệu tấn. Nhu cầu nhập khẩu ở một số thị
trường như Philippines, Trung Quốc và Nepal cũng được dự đoán tăng lên nhờ giá
dự kiến sẽ giảm nhiệt. Thị trường lúa gạo toàn cầu sẽ tiếp tục sôi động.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Nam phân tích, nhìn từ thực tế năm
2024, Ấn Độ dù hạn chế xuất khẩu, đến tháng 9/2024 mới chính thức mở kho gạo trắng,
gạo tấm nhưng cả năm 2024 sản lượng xuất khẩu gạo nước này vẫn đạt trên 17 triệu
tấn, gần gấp đôi Việt Nam.
Với việc phục hồi sản lượng sản xuất, dự kiến năm 2025 Ấn Độ có thể
xuất khẩu từ 21 - 22 triệu tấn gạo các loại, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024.
Việc này sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị phần xuất khẩu gạo của các quốc gia
khác; trong đó có Việt Nam và Thái Lan.
"Về thị trường xuất khẩu, bên cạnh một số nước có khả năng
tăng nhập khẩu thì nhịp độ mua vào ở một số quốc gia khác được dự đoán sẽ chậm
lại. Điển hình như Indonesia, sau khi liên tục mua vào trong năm 2024, trữ lượng
gạo tồn kho của nước này đã cao nhất trong vòng 5 năm.
Chính phủ nước này dự định không nhập khẩu gạo hoặc chỉ nhập một lượng nhỏ trong năm 2025, đồng thời tích cực thúc đẩy sản xuất trong nước để hướng tới tự chủ lương thực. Đây là vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý để kịp thời chuyển hướng và đa dạng thị trường, khách hàng trong thời gian tới." ông Nguyễn Ngọc Nam thông tin thêm.
Nguồn cung dồi dào và nhu cầu nhập khẩu trong ngắn hạn chững lại
khiến giá gạo xuất khẩu của các nước đều “lao dốc”. Thực tế, giá gạo xuất khẩu
đã giảm khá mạnh ngay trong tháng 12/2024. Đến cuối tháng 12 giá gạo xuất khẩu
5% tấm của Việt Nam chỉ còn ở mức 481 USD/tấn, giảm tới 39 USD so với đầu tháng
12/2024. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã xuống thấp hơn gạo Thái Lan
(499 USD/tấn) và ở mức thấp nhất trong 19 tháng qua. Tương tự, giá gạo 25% tấm
và 100% tấm cũng giảm sâu, lần lượt đạt 454 USD/tấn và 383 USD/tấn.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công
nghệ cao Trung An chia sẻ, hiện tại sản lượng lúa gạo thương phẩm không nhiều
và nhà nhập khẩu cũng có tâm lý chờ đến vụ Đông Xuân sắp tới mới mua vào nên hoạt
động mua bán khá trầm lắng.
Dự báo, sau Tết Nguyên đán khi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt
đầu thu hoạch vụ Đông Xuân, nguồn cung tăng lên, thị trường lúa gạo sẽ tăng dần
nhịp độ giao dịch. Giá lúa gạo thế giới và nội địa dự báo sẽ giảm so với năm
2024 vì cạnh tranh thị phần xuất khẩu giữa các nước ngày càng tăng.
Mặc dù vậy ông Phạm Thái Bình cũng nhấn mạnh, sản lượng lúa gạo Ấn
Độ lớn nhưng ít cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam bởi cơ cấu giống và chất
lượng khác nhau. Đặc biệt, ở phân khúc cao cấp, gạo Việt đã được khách hàng
công nhận với nhiều giống đặc sản như ST24, ST25, Jasmine,...
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng không ngại cạnh tranh với
các đối thủ từ Thái Lan hay Campuchia nhưng rất sợ tình trạng doanh nghiệp
trong nước “phá giá” tự triệt tiêu lẫn nhau để giành đơn hàng, khách hàng nhưng
sau đó giao hàng không đạt chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu gạo Việt
Nam.
Doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng Bộ Nông nghiệp và các địa phương đẩy
nhanh việc thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải
thấp để có nguồn cung gạo chất lượng cao, đồng đều và bền vững. Khi đó, doanh
nghiệp yên tâm đa dạng hoá thị trường, mở rộng thị phần phân khúc cao cấp không
chỉ ở EU mà cả với Nhật Bản, Trung Quốc và Trung Đông,...
Việc tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao không chỉ giúp khẳng định
vị thế gạo Việt Nam mà còn là cơ sở để doanh nghiệp chủ động đàm phán về giá
bán tương xứng với giá trị, giảm áp lực
giá từ thị trường lương thực dự trữ.
TTXVN