Sáng 25/5, tại Kuala Lumpur, Malaysia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 29 và Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 36.
Tại cuộc họp,
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN bày tỏ chia buồn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước
và nhân dân Việt Nam trước tin nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần. Các
Bộ trưởng trân trọng ghi nhận những đóng góp quan trọng của nguyên Chủ tịch nước
đối với công cuộc đổi mới và phát triển ở Việt Nam, và thúc đẩy tiến trình hội
nhập của Việt Nam.
Chuẩn bị
cho các Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ diễn ra từ ngày 26-27/5, Chủ tịch Malaysia
cho biết, công tác tổ chức đã được hoàn tất. Các Bộ trưởng đã xem xét, nhất trí
trình Lãnh đạo các nước ASEAN ký, thông qua Tuyên bố Kuala Lumpur về
"ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta", đánh giá cao nỗ lực của
Nhóm Đặc trách Cao cấp hoàn thành "gói văn kiện" ASEAN 2045 đúng tiến
độ, thể hiện tinh thần chủ động và dẫn dắt của ASEAN trong giai đoạn phát triển
mới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam
tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN
Kiểm điểm
các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng giai đoạn 2016-2025, các Bộ trưởng nhấn
mạnh cần phát huy bài học kinh nghiệm được đúc rút trong 10 năm qua. Trước các
chuyển động phức tạp hiện nay, hơn bao giờ hết, ASEAN cần củng cố đoàn kết và
vai trò trung tâm, khẳng định tiếng nói chung mạnh mẽ, và nâng cao hiệu quả các
cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Hội nghị nhất trí cần lan tỏa mạnh mẽ giá trị của Hiệp
ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á nhân dịp kỷ niệm 50 năm văn kiện này
trong năm 2026.
Các Bộ trưởng
đề nghị khẩn trương cụ thể hóa Tầm nhìn 2045 và các chiến lược, xây dựng chương
trình hợp tác trong từng lĩnh vực, ưu tiên nâng cao năng lực ứng phó của ASEAN
với các thách thức an ninh phi truyền thống. Các Bộ trưởng cũng nhất trí làm
sâu sắc hơn thương mại và đầu tư nội khối, khai thác tiềm năng khoa học-công
nghệ, kinh tế số, kinh tế xanh, mở rộng kết nối với các đối tác trên cơ sở cùng
có lợi.
Quan hệ đối
ngoại của ASEAN tiếp tục được củng cố và mở rộng, thông qua các khuôn khổ hợp
tác hiện có, góp phần củng cố cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa
trên luật lệ với ASEAN ở vị trí trung tâm. Hội nghị ghi nhận việc xây dựng các
chương trình hành động giai đoạn 2026-2030 với nhiều đối tác, nhấn mạnh cần gắn
kết các ưu tiên triển khai đối ngoại với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, đặt kỳ
vọng vào những tiến triển mới, thực chất trong quan hệ với các đối tác.
Các Bộ trưởng
đã trao đổi sâu rộng về tình hình quốc tế và khu vực, tiếp tục củng cố lập trường
nguyên tắc của ASEAN, nhấn mạnh cần triển khai đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các
bên ở Biển Đông và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông hiệu lực, thực chất,
phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển
1982, khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Đồng thuận
5 điểm về Myanmar.
Các nước
ghi nhận nỗ lực của Timor-Leste triển khai Lộ trình trở thành thành viên chính
thức của ASEAN, hoan nghênh Bộ phận Timor-Leste tại Ban Thư ký ASEAN chính thức
đi vào hoạt động và thông qua Tài liệu Hướng dẫn về thủ tục tham gia các văn kiện
pháp lý của ASEAN. Dịp này, Uỷ ban Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân
(SEANWFZ) đã thông qua Phụ lục sửa đổi Hiệp ước SEANWFZ, tạo cơ sở pháp lý cho
các nước triển khai thủ tục chấp thuận cho Timor-Leste tham gia Hiệp ước, đồng
thời thể hiện mạnh mẽ cam kết của ASEAN hiện thực hóa khu vực Đông Nam Á không
có vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.
Phát biểu
tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảm ơn những
tình cảm và chia sẻ của các nước trước sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức
Lương.
Phó Thủ tướng
đánh giá cao vai trò của Chủ tịch Malaysia dẫn dắt tiến trình hợp tác khu vực
vào thời điểm chuyển mình quan trọng của ASEAN. Bối cảnh ngày nay với nhiều khó
khăn, thách thức hơn trước, đòi hỏi ASEAN và các nước thành viên tiếp tục sát
cánh bên nhau, dành ưu tiên cao nhất cho tiến trình xây dựng Cộng đồng.
Tầm nhìn Cộng
đồng ASEAN 2045 cùng các chiến lược hợp tác mới sẽ là khuôn khổ để ASEAN cùng
hành động, chủ động thích ứng và vươn tầm phát triển. ASEAN cần củng cố tự chủ
và tự cường, đặc biệt là tự cường kinh tế, để chống chịu với các cú sốc từ bên
ngoài. Quan hệ đối ngoại của ASEAN cần theo đuổi cách tiếp cận nhất quán, có trọng
tâm, trọng điểm theo ưu tiên chiến lược dài hạn của ASEAN.
Diễn tiến
phức tạp của các thách thức an ninh mới đặt ra yêu cầu cấp bách tăng cường hợp
tác ở cấp khu vực và toàn cầu. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng thông báo và mong muốn
các nước sẽ ủng hộ và tham gia Lễ ký kết Công ước Hà Nội về chống tội phạm mạng
vào cuối tháng 10/2025 tại Hà Nội. Việt Nam cũng đề xuất xây dựng Tuyên bố
ASEAN về nâng cao hiệu quả hợp tác trong truy bắt tội phạm truy nã, từng bước
đưa ASEAN trở thành hình mẫu về hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Phó Thủ tướng,
Bộ trưởng cùng các nước trao đổi, tái khẳng định lập trường nguyên tắc của
ASEAN về các vấn đề quốc tế, khu vực, đánh giá cao ASEAN, dưới sự dẫn dắt của
Chủ tịch Malaysia, đã nhanh chóng hỗ trợ Myanmar sau thảm họa động đất, đề nghị
các bên liên quan ở Myanmar chấm dứt bạo lực và tiến hành đối thoại, chung tay
tiến hành các hoạt động cứu trợ và công cuộc phục hồi, tái thiết về lâu dài.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cũng đề nghị ASEAN tìm kiếm các cách tiếp cận và biện
pháp mới để triển khai Đồng thuận 5 điểm hiệu quả hơn.
Đánh giá
cao nỗ lực của Timor-Leste, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng tái khẳng định Việt Nam ủng
hộ Timor-Leste sớm gia nhập ASEAN. Từ kinh nghiệm 30 năm tham gia ASEAN, Việt
Nam hiểu rõ và sẵn sàng hỗ trợ Timor-Leste vượt qua những khó khăn, cả trong
quá trình chuẩn bị đến triển khai các nghĩa vụ thành viên trong những năm đầu
gia nhập.
Theo BCP