Các nước nghèo cần đầu tư nước ngoài và tiếp
cận thị trường quốc tế để tăng trưởng bền vững, thu hẹp khoảng cách thu nhập với
nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cảnh báo,
làn sóng chủ nghĩa bảo hộ bao gồm chính sách tăng thuế nhập khẩu ở những nước
giàu đang đe dọa điều đó.
WTO cũng cho rằng, những rào cản thương mại
mà nước giàu dựng lên để bảo vệ việc làm trong nước là biện pháp tốn kém và phản
tác dụng.
Trong hơn 10 năm qua, làn sóng bảo hộ
thương mại ngày càng dâng cao trên toàn cầu. Đáng chú ý nhất là các mức thuế
trên diện rộng áp vào hàng hóa Trung Quốc do chính phủ Mỹ dưới thời kỳ cầm quyền
của Tổng thống Donald Trump áp dụng vào năm 2018 và quyết định của Anh rời Liên
minh châu Âu (EU) hai năm trước đó. Gần đây, nhiều nền kinh tế phát triển gồm Mỹ,
EU, Canada tăng thuế đối với xe điện sản xuất ở Trung Quốc.
Ông Donald Trump, người đang tìm kiếm nhiệm
kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, đề xuất áp thuế
60% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc bán vào Mỹ và áp thuế 10% đối với tất cả
hàng hóa của các nước khác.
Trong báo cáo hôm 9-9, WTO nêu bật đóng
góp quan trọng của thương mại tự do đối với thành tựu giảm nghèo và bất bình đẳng
thu nhập giữa nước giàu và nước nghèo. Theo báo cáo, trong giai đoạn 1995-2022,
tỷ trọng đóng góp của các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình trong thương
mại toàn cầu tăng từ 21% lên 38%.
Trong giai đoạn đó, thu nhập bình quân đầu
người ở các nước thu nhập thấp và trung bình tăng gấp ba lần. Kể từ năm 1995,
thương mại toàn cầu mở rộng nhanh chóng, giúp 1,5 tỉ người dân trên thế giới
thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực (thu nhập dưới 2,15 đô la Mỹ/ngày).
Tổng giám đốc WTO, Ngozi Okonjo-Iweala cho
biết, những con số đó phản bác quan niệm phổ biến hiện nay rằng, thương mại tự
do và các tổ chức như WTO không giúp ích cho người nghèo hoặc các nước nghèo.
Ralph Ossa, nhà kinh tế trưởng của WTO cảnh
báo, xu hướng bảo hộ trỗi dậy ở các nước giàu đang đặt ra thách thức lớn cho
thương mại tự do.
Các nước giàu theo đuổi chính sách tăng
thuế nhập khẩu, bắt nguồn từ “cú sốc Trung Quốc” vào đầu thập niên 2000. Sau
khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, các nước giàu chứng kiến cơn bùng nổ
nhập khẩu hàng hóa giá rẻ do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sản xuất. Hàng
giá rẻ giúp nước giàu giữ lạm phát ở mức thấp nhưng gây tổn thất cho công việc
sản xuấy ở Mỹ và một số nước khác.
Do vậy, mức thuế nhập khẩu cao hơn đang được
nước giàu sử dụng như là cách để bảo vệ những công việc sản xuất còn lại. Gần
đây, các rào cản thương mại được xem là giải pháp để bảo khả năng phục hồi kinh
tế, đặc biệt là sau tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng trong đại
dịch Covid-19.
Căng thẳng địa chính trị cũng thúc đẩy các biện pháp bảo hộ thương mại như cách để giảm sự phụ thuộc nguồn cung các mặt hàng quan trọng từ các nước “thù địch”.
WTO cho rằng, sự gia tăng các rào cản
thương mại sẽ gây tổn hại nhiều nhất đối với các nước nghèo vì họ dựa vào đầu
tư nước ngoài và thương mại mà để tiếp cận công nghệ tốt hơn. Xu hướng tiếp tục
phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu dưới áp lực địa chính trị sẽ tác động lớn đến
các nền kinh tế có thu nhập thấp, trình độ công nghệ kém và dựa vào khả năng tiếp
cận thị trường nước ngoài để bắt kịp tốc độ tăng trưởng bền vững.
WTO ghi nhận, một số người dân ở những nước
giàu mất việc làm hoặc cảm thấy bị bỏ lại phía sau trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, tổ chức này luận rằng, chính sách bảo hộ thương mại là giải pháp sai
lầm để khắc phục vấn đề đó.
Tổng Giám đốc WTO, Ngozi Okonjo-Iweala nhận
xét, hạn chế thương mại thường là cách tốn kém để bảo vệ việc làm cho các nhóm
cụ thể trong xã hội và có thể làm tăng chi phí sản xuất. Chính sách tăng thuế
nhập khẩu sẽ dẫn đến sự trả đũa tốn kém từ các đối tác thương mại bất mãn.
WTO cho rằng, thay vì dựng lên các rào cản
thương mại, các chính phủ nên giúp người lao động trang bị kỹ năng mới, có nhu
cầu cao.
Theo SGT