Theo ước tính của Bloomberg cho biết, doanh thu từ World Cup tổ chức tại Qatar tháng 12 này dự kiến lập kỷ lục mới, vượt 5,4 tỷ USD mà World Cup 2018 tại Nga mang lại cho FIFA. FIFA đã bán bản quyền phát sóng của giải đấu, bán khoảng 240.000 gói dịch vụ (vé, chỗ ở, quà tặng,...) và gần 3 triệu vé cho sự kiện này. World Cup năm nay cũng có nhiều thương hiệu lớn tài trợ, như Adidas và Coca-Cola.

Doanh thu từ World Cup vẫn tăng bất chấp lo ngại người hâm mộ và nhiều nhà tài trợ tẩy chay sự kiện này, chủ yếu vì cách Qatar đối xử với các lao động nhập cư đã xây sân vận động và cơ sở hạ tầng cần thiết để phục vụ sự kiện.

Giới chức Qatar phủ nhận cáo buộc họ đối xử không tốt với người lao động. Họ khẳng định sự kiện còn là chất xúc tác giúp họ cải tiến luật lao động. Trên thực tế, doanh thu các kỳ World Cup luôn tăng theo thời gian, do bóng đá ngày càng phổ biến trên toàn cầu, bất chấp các vấn đề gây tranh cãi tại nước chủ nhà.

FIFA dự kiến vượt mục tiêu doanh thu 6,4 tỷ USD cho giai đoạn 2019 – 2022, phần lớn số này đến từ World Cup, nguồn tin của Bloomberg cho biết. Tổ chức này dùng số tiền trên để tổ chức các giải đấu cho cả nam và nữ, cũng như ở cấp độ trẻ, đồng thời phát triển bóng đá tại 211 thành viên.

"Có rất nhiều hợp đồng đã được ký từ nhiều năm trước, khi các vấn đề về lao động còn chưa nảy sinh", Minal Modha – nhà nghiên cứu tiêu dùng tại Ampere Analysis cho biết, "Chỉ báo thực sự là tác động của nhưng việc này lên doanh thu của giải đấu trong tương lai".

Qatar cũng muốn tận dụng World Cup để quảng bá quá trình phát triển nhanh chóng của họ, từ làng chài nghèo thành quốc gia giàu có Vùng Vịnh. Nước này kỳ vọng World Cup mang lại cho nền kinh tế 17 tỷ USD. Con số này thấp hơn dự báo trước đó là 20 tỷ USD, do cuộc khủng hoảng chi phí sống toàn cầu ảnh hưởng đến mức chi của của người hâm mộ tại World Cup năm nay.