Dự Hội nghị
công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ngày
5/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Tỉnh đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi
xanh, chuyển đổi số, hạ tầng xanh, chất lượng tăng trưởng, thu hút đầu tư, nguồn
nhân lực,… qua đó, chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở khoa học, kinh tế, tiêu chí để định
hướng, huy động, thu hút các nhà đầu tư.
Vươn lên mạnh
mẽ từ một tỉnh nghèo, thuần nông
Vĩnh Phúc
có vị trí chiến lược với các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy
huyết mạch kết nối liên vùng và trục hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào
Cai - Côn Minh; là một trong những đô thị vệ tinh quan trọng, "cửa
ngõ" phía tây bắc của Thủ đô Hà Nội.
Vị trí địa
lý đặc biệt cùng với sự đa dạng về tự nhiên (địa hình, khí hậu, đất đai, tài
nguyên nước); cùng với đó là hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối liên vùng, nhất
là hệ thống đường bộ cao tốc đã và đang được đầu tư phát triển đồng bộ là điều
kiện thuận lợi để Vĩnh Phúc liên kết không gian phát triển đô thị - công nghiệp
- thương mại, dịch vụ với Thủ đô Hà Nội và các địa phương trong vùng.
Đặc biệt,
những giá trị văn hóa nguồn cội của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước,
giữ nước và truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng
vươn lên, tinh thần dám đổi mới, sáng tạo, tiên phong được khởi nguồn từ cố Bí
thư Kim Ngọc chính là vốn quý để Vĩnh Phúc thành công trong tiến trình công
nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát huy
truyền thống cùng những tiềm năng lợi thế đó, trong hơn 26 năm qua kể từ khi được
tái lập, Vĩnh Phúc vươn lên mạnh mẽ từ một tỉnh nghèo, thuần nông nghiệp trở
thành tỉnh công nghiệp, có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương.
Quy mô nền
kinh tế (GRDP) năm 2023 đạt 158 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng
và thứ 14 trên cả nước. Thu ngân sách đạt trên 40 nghìn tỷ. GRDP bình quân đầu
người đạt trên 130 triệu đồng/năm, đứng thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng và đứng ở
vị trí thứ 9 cả nước. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 0,7%; tỉ lệ hộ cận nghèo
còn 1,7%.
Hạ tầng
giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp… ngày càng được hoàn thiện đồng
bộ. Giáo dục, y tế, văn hóa của tỉnh được chú trọng đáp ứng nhu cầu phát triển
dân trí và chất lượng cuộc sống người dân.
Đặc biệt,
sự chủ động, quyết liệt của tập thể lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, các sở,
ngành, địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc trong việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu
tư kinh doanh với chỉ số chất lượng điều hành kinh tế luôn ở mức cao của cả nước,
chỉ số PAR INDEX trong tốp 10; chỉ số PAPI nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố
trên cả nước đã đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của
nhà đầu tư, trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI thuộc các tập đoàn đa quốc gia
hàng đầu của Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Thay mặt
lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận,
đánh giá cao và biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền,
quân và dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được trong suốt chặng đường đã qua. Đây cũng
chính là những nền tảng vững chắc để Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển mạnh mẽ
trong những năm tới.
Hướng tới
trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Vĩnh Phúc.
Quy hoạch
là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về
phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông
Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thể hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí
Minh lúc sinh thời và khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân về một
"Vĩnh Phúc giàu có, phồn thịnh", thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước
về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại,
cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành
phố trực thuộc Trung ương.
Quy hoạch
đóng vai trò định hình không gian phát triển của Vĩnh Phúc trong mối liên kết
chặt chẽ, hữu cơ với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, vùng miền núi và trung
du phía bắc, vùng Thủ đô Hà Nội.
Từ đó, mở
ra những cơ hội mới để đưa Vĩnh Phúc phát triển trở thành một trong những cực
phát triển, là hạt nhân thúc đẩy phát triển nền công nghiệp hiện đại và chuyển
đổi thành công mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hơn. Các ngành kinh tế dựa
trên nền tảng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng
xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh.
Bản quy hoạch
hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng chất lượng sống, hạnh phúc cho nhân dân.
Người dân Vĩnh Phúc trong tương lai sẽ được hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất
lượng cao, hệ thống an sinh xã hội bền vững. Các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp
được giữ gìn, phát huy. Môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng
với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho
lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc
Tỉnh Vĩnh
Phúc đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng
từ 10,5 -11,0%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 325 triệu đồng.
Tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 65%; phát triển đạt tiêu chí đô thị loại I trên quy
mô toàn tỉnh.
Tầm nhìn đến
năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ
tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng;
là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi
trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc.
Sớm có các
bộ tiêu chí xanh về hạ tầng, công nghệ, suất vốn
Phó Thủ tướng
cho rằng để quy hoạch được tổ chức triển khai hiệu quả, nhân tố quyết định
chính là tinh thần "Tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới" và những
bài học kinh nghiệm chính từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh
Phúc trong nhiều năm qua.
"Quy
hoạch mới mang tính định hướng và cần tiếp tục được cụ thể hóa bằng các quy hoạch
kinh tế, kỹ thuật. Trong đó, Vĩnh Phúc phải nhìn nhận thấu đáo những điểm nghẽn,
thách thức mà nhiều địa phương, thành phố gặp phải khi quá trình phát triển tác
động tiêu cực đến chất lượng môi trường, hạ tầng giáo dục, văn hóa xã hội chưa
theo kịp, việc kết nối hạ giao thông đường bộ, đường sắt đô thị, đường sắt tốc
độ cao, đường thuỷ chưa đồng bộ", Phó Thủ tướng lưu ý.
Trao đổi một
số vấn đề trọng tâm trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, Phó Thủ tướng
đề nghị Vĩnh Phúc thúc đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế
xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa phải
hướng đến chuyển đổi năng lượng xanh, lựa chọn công nghệ xanh.
"Vĩnh
Phúc cần đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hạ tầng xanh,
chất lượng tăng trưởng, thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, qua đó, chuẩn bị kỹ lưỡng
cơ sở khoa học, kinh tế, tiêu chí để định hướng, huy động, thu hút các nhà đầu
tư", Phó Thủ tướng nói.
Theo đó,
Vĩnh Phúc cần sớm có các bộ tiêu chí xanh về hạ tầng, công nghệ, suất vốn...
trong thu hút đầu tư. Còn các doanh nghiệp, nhà đầu tư là trung tâm, động lực của
quá trình chuyển đổi xanh, nghiên cứu, triển khai và chuyển giao công nghệ, với
cam kết lâu dài, bền vững.
"Sự hấp
dẫn đối với các nhà đầu tư không phải là đất đai, nhân công giá rẻ, mà là hạ tầng
xanh, kết nối thông minh, năng lượng sạch, môi trường… Đây là những lĩnh vực cần
ưu tiên đầu tư, khi vấn đề phát thải khí nhà kính, môi trường sẽ là "dấu
chân" trong các sản phẩm hàng hoá", Phó Thủ tướng phân tích.
Bên cạnh
đó, để có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp công
nghệ cao của cả nước, Vĩnh Phúc cần có chiến lược phát triển cơ sở giáo dục,
đào tạo dựa vào nhu cầu của các nhà đầu tư trong quá trình chuyển đổi số, chuyển
đổi xanh.
Phó Thủ tướng
nhấn mạnh, Vĩnh Phúc đã thành công nhờ tiên phong, nắm bắt cơ hội từ tiến trình
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá, thì nay, tỉnh cần nhận trách nhiệm đi đầu
trong nắm bắt, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu
thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của toàn cầu để tiếp tục thành công trong
nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, vượt qua các
rào cản về môi trường, phát thải trong đầu tư và thương mại tham gia chuỗi giá
trị toàn cầu.
"Với
tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, Vĩnh Phúc sẽ là nơi ươm mầm ý tưởng, góp
ý cùng với Chính phủ sớm có sự thay đổi cơ bản các cơ chế, chính sách, ưu tiên
lựa chọn nhà đầu tư", Phó Thủ tướng mong muốn.
Phát triển
chuỗi đô thị tôn vinh giá trị tự nhiên, bản sắc, văn hóa
Trao đổi về
định hướng phát triển đô thị hóa, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là tất yếu khách
quan trong tiến trình công nghiệp hóa mang lại những động lực mạnh mẽ cho phát
triển kinh tế - xã hội.
Vĩnh Phúc
cần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch,
xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị. Trong đó, thúc đẩy phát triển
chuỗi đô thị vệ tinh theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc của các hệ
sinh thái trung du, đồng bằng, "trong đô thị có rừng", "trong rừng
có đô thị", để tôn vinh, làm giàu thêm những giá trị tự nhiên, điển hình
như đô thị Tam Đảo.
Tỉnh cần tận
dụng lợi thế của vùng Thủ đô và hệ thống hạ tầng kết nối. Trong đó, chú trọng
mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), thúc đẩy mô hình quản
lý thông minh trong vận hành, quản lý và khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô
thị. Đồng thời đầu tư bài bản, đồng bộ cho khu vực nông thôn như là bước chuẩn
bị kỹ lưỡng cho phát triển đô thị với các tiêu chí hạ tầng, môi trường, không
gian đáng sống….
Việc tính
toán, phát triển từng bước, có sự ưu tiên trong chuỗi đô thị vệ tinh cần tiếp cận
tư duy quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô, cùng với hạ tầng kết nối
vùng, sẽ tạo ra sự lan tỏa, liên kết, hợp tác, tạo ra nhiều vùng có tiềm năng,
thế mạnh hơn.
Vĩnh Phúc
cũng cần rút ra những bài học sâu sắc từ khâu triển khai các quy hoạch chung,
quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các đô thị đến thiết kế, đầu tư phát
triển hệ thống hạ tầng phải đồng bộ. "Để trở thành thành phố trực thuộc
Trung ương trong tương lai, thì ngay từ bây giờ, Vĩnh Phúc đã phải tính đến quy
hoạch không gian ngầm cho giao thông", Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Trong thời
gian tới, Vĩnh Phúc cần sớm hoàn thiện, chi tiết hóa, cụ thể hóa Quy hoạch
chung bằng quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, nhất là quy hoạch đô thị, nông
thôn, xác định không gian, kiến trúc, cảnh quan cụ thể, tránh những quy hoạch
trung gian, mang tính định hướng.
Đồng tình
với định hướng đưa du lịch tỉnh Vĩnh Phúc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo
hướng "Dịch vụ chất lượng - Sản phẩm khác biệt - Hiệu quả bền vững",
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Phải lấy giá trị tự nhiên, cảnh quan, địa hình, bản sắc,
văn hóa, tài nguyên khí hậu làm ưu tiên.
Là địa
phương được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch
sử - văn hóa – tâm linh, tỉnh Vĩnh Phúc cần có chiến lược liên kết các ngành dịch
vụ phụ trợ như dịch vụ vận tải, lưu trú, mua sắm, sức khỏe,… tạo giá trị gia
tăng cho du lịch địa phương. Thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các
tổ hợp du lịch đẳng cấp quốc tế có tính chất điểm nhấn; khai thác tiềm năng di
sản văn hóa và thiên nhiên để phát triển du lịch xanh trong xu thế hội nhập. Đồng
thời, kết nối du lịch Vĩnh Phúc với các địa phương lân cận, hình thành các tour
- tuyến du lịch đa dạng, hấp dẫn, hướng đến các đối tượng du khách cụ thể.
Đẩy nhanh
tiến trình chuyển đổi số trong du lịch, giới thiệu quảng bá, hình ảnh, nét đẹp
thiên nhiên, văn hóa trên môi trường số, qua phim ảnh, đưa Vĩnh Phúc đến với mọi
người, thế giới nhanh nhất.
Phát huy
truyền thống đoàn kết, sáng tạo, dám vượt qua những thách thức
Phó Thủ tướng
khẳng định, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, là sức
mạnh nội sinh quan trọng nhất giúp Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu trở thành thành
phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp,
mang bản sắc riêng, là nơi đáng sống.
Lãnh đạo cấp
ủy, chính quyền và mỗi người dân Vĩnh Phúc có trách nhiệm phát huy truyền thống
đoàn kết, sáng tạo, dám vượt qua những thách thức để triển khai thực hiện có hiệu
quả Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc với những mục tiêu, định hướng lớn, mang tầm chiến
lược, vì một Vĩnh Phúc giàu có, phồn thịnh, một trung tâm công nghiệp - dịch vụ
xanh, hiện đại, một "địa chỉ đỏ" của các nhà đầu tư, chuyên gia, lao
động có tay nghề hàng đầu trong nước, khu vực và quốc tế.
Với tiềm
năng, lợi thế, cùng các thành tựu, nền tảng được tạo lập và khát vọng vươn lên,
tinh thần đổi mới, sáng tạo, tiên phong, Phó Thủ tướng tin tưởng, Vĩnh Phúc, dù
trong bất kỳ khó khăn nào đều có thể vượt qua, sớm hoàn thành mục tiêu trở
thành đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
trong tương lai gần.
Theo BCP