Nghiên cứu, triển khai mạng 5G là
một trong 6 định hướng phát triển trong chiến lược “Tiên phong, chủ lực kiến tạo
xã hội số” mà Viettel đặt ra trong năm 2019.
Tính đến thời điểm hiện tại,
Viettel đã hoàn thiện 60-70% khối lượng công việc trong quá trình làm chủ 5G
Microcell. Dù đạt những kết quả tích cực, nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu,
cho đến khi sản phẩm chính thức đưa vào vận hành và kinh doanh, được khách hàng
ngoài Viettel chấp nhận, thì lúc đó mới có thể coi là tạm hoàn thành giai đoạn
nghiên cứu.
Trước đó, trong nửa đầu năm 2021,
các kỹ sư Tổng công ty Công nghệ cao Viettel (VHT) đã nắm bắt sự thay đổi thông
tin về quy hoạch băng tần của 5G, nên đã nhanh chóng triển khai phát triển phần
cứng EVT3. Tới nay đơn vị đã hoàn thiện đóng gói phần cứng để tích hợp hệ thống.
Dự kiến, tháng 10 này sẽ hoàn thành sản xuất xong phần cứng, đúng như tiến độ
đăng ký với Bộ TT&TT.
Tháng 7 vừa qua, dự án 5G đã tiếp
nhận hệ thống đo kiểm, mô phỏng đầu cuối - UE Emulator của hãng Viavi, một công
ty thiết kế hệ thống đo kiểm nổi tiếng. Hệ thống này có thể mô phỏng cùng lúc đến
hàng nghìn chiếc điện thoại để kết nối vào hệ thống cần thử nghiệm.
Tháng 9/2021, nhóm nghiên cứu của
Viettel, Ericsson và Qualcomm Technologies đã sử dụng công nghệ kết nối kép vô
tuyến E-UTRA New Radio Dual Connectivity (EN-DC) tiên tiến trên thế giới trên
800 Mhz băng tần sóng cực ngắn (mmWave), giúp tăng tốc độ và mở rộng phạm vi phủ
sóng 5G, đưa tốc độ truyền dữ liệu đạt mức kỷ lục 4,7 Gb/giây.
Theo Phó Tổng Giám đốc VHT Nguyễn
Minh Quang, lợi thế lớn của Viettel là sự thấu hiểu về kinh doanh (đi từ khách
hàng) cho đến năng lực phát triển nghiên cứu và hệ thống vận hành khai thác đã
xây dựng, đó là hệ thống "kiềng ba chân” giữa 3 Tổng công ty lớn là VTT,
VTNet, VHT. Viettel nhanh chóng nắm bắt nhu cầu thay đổi của các nhà mạng khi
triển khai mạng 5G để có những điều chỉnh hợp lý trong kế hoạch phát triển sản
phẩm, là nền tảng vững chắc để kinh doanh thương mại 5G.
Trong tháng 7/2021, VHT đã phối hợp với VTNet về mặt triển khai hệ thống, hoàn thiện hạ tầng, nhà trạm, nguồn điện… để kịp tiến độ hoàn thiện phần cứng vào tháng 10. VHT dự định cung cấp phần cứng đó tại toàn bộ khu vực Trường Đại học Bách khoa (Hà Nội) trong thời gian tới. Giữa VTT và VHT cũng đã có những trao đổi hợp tác chiến lược về các sản phẩm thuộc lớp thiết bị đầu cuối dựa trên công nghệ 5G, IoT… dành cho người dùng đầu cuối (end-users). Đơn cử như 50.000 thiết bị ONT (modem wifi) của VHT sản xuất đã được bàn giao cho VTT để sẵn sàng lắp đặt trên mạng lưới các tỉnh thành. Một số các thiết bị khác đang trong quá trình hoàn thiện cơ bản, như thiết bị giám sát và định vị vTag, AI camera… cũng đều đã có lộ trình phát triển rõ ràng trong thời gian tới.
Mục tiêu trong 6 tháng cuối năm,
VHT sẽ hoàn thiện phần cứng EVT3 và triển khai thử nghiệm, cũng như tung ra hai
sản phẩm mới là Macro 8T8R và AllinOne trên nền tảng chip NXP. Đó là hai sản phẩm
mới trong quý III sẽ có để thử nghiệm.
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu
thiết bị vô tuyến băng rộng (VHT) Nguyễn Chí Linh chia sẻ, với mục tiêu cuối
năm là lắp đặt, tích hợp đưa vào vận hành, đo kiểm thử hệ thống UE Emulator, đến
nay dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục về tính năng phần mềm hệ thống cũng
như tăng gấp 2-4 lần số lượng UE. Bên cạnh đó, các tính năng khác như vận hành
khai thác, đánh giá vùng phủ dịch vụ, ổn định hệ thống có thể hoàn toàn chạy tự
động, tự động kết nối với trạm phát sóng, thực hiện các bài kiểm tra về
download, upload...
Có thể nói con đường của Viettel
không chỉ dừng ở đích đến là thương mại hóa 5G, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho
người dân, mà xa hơn đó là đảm bảo cho một nền tảng viễn thông an toàn-bảo mật,
phục vụ đắc lực công cuộc chuyển đổi số của quốc gia.
Hiện tại, trên các băng tần 2300
MHz, 2600 MHz đều có thể sử dụng mạng 5G. Viettel cũng như các nhà mạng khác vẫn
chưa có giấy phép chính thức triển khai 5G dịch vụ tại Việt Nam.
HM - CTTĐTBCP