Chiều 10/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã dự Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) lần thứ 4 và chương trình Golden Dragon Awards lần thứ 23, do Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times và UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức.

Cùng dự có lãnh đạo thành phố Hải Phòng; đại diện các bộ, ban, ngành; đại diện các cơ quan ngoại giao (Đại sứ quán, Lãnh sự quán); lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc, các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng trong nước và gần 300 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Chủ đề của Diễn đàn năm nay "Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: Từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp"; bao gồm 2 phiên (Phiên tham luận và Phiên thảo luận) với ý kiến của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đại diện doanh nghiệp về các nhóm vấn đề chính liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, năng lượng xanh, bền vững sẽ là bài toán phức tạp nhất đối với các nền kinh tế muốn phát triển các ngành công nghệ mới trong thời gian tới.

"Vấn đề cấp bách hiện nay là biến các cam kết thành hành động; biến các ý tưởng, sáng kiến thành nguồn lực; biến mong muốn, tầm nhìn thành những kết quả cụ thể để không nước nào bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực xanh hóa nền kinh tế toàn cầu một cách bền vững", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết.

Từ thực tiễn địa phương, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đề xuất Chính phủ và các địa phương cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện và cách tiếp cận phù hợp, để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, trước mắt cho phép thí điểm các mô hình kinh tế mới, theo hướng xanh, bền vững.

Chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện đặc thù và năng lực khác nhau của các địa phương (chẳng hạn địa phương có thế mạnh về nông nghiệp sẽ cần có những yêu cầu và lộ trình khác địa phương đã có nền tảng phát triển công nghiệp). Do đó, các địa phương trên cả nước cần nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích vì mục tiêu chung của Chính phủ.

"TP. Hải Phòng đang khẩn trương, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ thành lập khu kinh tế ven biển phía nam TP. Hải Phòng theo định hướng khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam; đồng thời phát triển quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến du lịch xanh", ông Lê Tiến Châu chia sẻ.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng chủ đề của Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam đã thể hiện sự kết nối giữa Việt Nam và thế giới, giữa Chính phủ với các địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp,người dân trong phát triển kinh tế xanh, bền vững

Theo Phó Thủ tướng, thế giới đang đứng trước thách thức lớn nhất là lựa chọn chuyển đổi mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, và dù càng phát triển thì những vấn đề xã hội vẫn không giải quyết được như: môi trường, an ninh lương thực, nguồn nước, bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo…  Điều đó đòi hỏi các quốc gia phát triển và đang phát triển phải cùng hành động để đạt được một só mục tiêu.

"Kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp đã trở thành nhiệm vụ, xu thế không thể đảo ngược để bảo vệ trái đất và nhân loại", Phó Thủ tướng nói.

Việt Nam đã chủ động tham gia rất sớm các thoả thuận quốc tế về môi trường, biến đổi khí hậu và lựa chọn mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức… hay các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính.

Lần đầu tiên tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã thể hiện rõ ý chí của Việt Nam trong việc lựa chọn mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tại COP 26, Việt Nam cũng đã đưa ra mục tiêu cam kết về Net Zero bằng 0 vào năm 2050, dù ngay cả với các nước phát triển đây vẫn là một thách thức lớn.

"Đã đến lúc phải hiện thực hoá, chuyển nhanh từ nhận thức sang hành động theo nguyên tắc tất cả các nước phải cùng nhau hành động trong ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển, bằng suy nghĩ toàn cầu, hành động từ mỗi người, mỗi địa phương, mỗi quốc gia", Phó Thủ tướng nói và cho rằng yếu tố quyết định thành công trong chuyển đổi kinh tế xanh là chuyển đổi năng lượng công bằng, với sự kết nối giữa các doanh nghiệp, tổ chức tài chính quốc tế và Chính phủ.

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã có những nghị quyết, chiến lược, kế hoạch quan trọng, cơ chế, pháp luật cụ thể về bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng nhằm kiến tạo môi trường pháp lý, chính sách phát triển năng lượng tái tạo; đồng thời kết nối với các sáng kiến quốc tế để thực hiện giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero); thu hút sự tham gia doanh nghiệp và người dân vào kinh tế tuần hoàn.

Phó Thủ tướng đề nghị Diễn đàn tập trung thảo luận các giải pháp tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước, quốc tế và Chính phủ trong công cuộc chuyển đổi xanh; giải quyết những vấn đề đặt ra trong chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam như công nghệ, nguồn lực tài chính, mô hình quản trị…

"Công nghệ, năng lượng xanh và nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài", Phó Thủ tướng nói và gửi thông điệp này tới các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ, năng lượng, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh để "cùng nhau chuyển đổi".


Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là khởi đầu của mục tiêu phát triển bền vững, sử dụng tài nguyên tri thức, tài nguyên con người, cùng với phục hồi hệ sinh thái, môi trường tự nhiên.

Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam lựa chọn kinh tế xanh, bền vững, để kiến tạo những thay đổi tiếp theo, với sự đồng hành của doanh nghiệp. Chính phủ, các địa phương luôn lắng nghe các doanh nghiệp về chính sách, sự hỗ trợ cần thiết với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, định chế tài chính toàn cầu.

"Tiềm năng kinh tế xanh ở Việt Nam ở ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, tín chỉ carbon chứ không chỉ là năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, công nghiệp xanh…", Phó Thủ tướng lưu ý và cho rằng "mỗi người dân, doanh nghiệp cũng có thể là hạt nhân trong chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang kinh tế tuần hoàn trên con đường phát triển bền vững".

Phó Thủ tướng mong muốn Diễn đàn góp phần xây dựng các tiêu chí đánh giá sự tiến bộ trong phát triển kinh tế xanh, bền vững; hiệu quả kết nối giữa Chính phủ với địa phương, doanh nghiệp, giữa Việt Nam và thế giới. Để các doanh nghiệp đến Việt Nam không chỉ thực hiện thành công các dự án đầu tư, mà còn mang theo công nghệ xanh để cùng nghiên cứu, triển khai, chuyển giao.

"Diễn đàn cần đưa ra những đề xuất, sáng kiến, khuyến nghị cụ thể giúp Chính phủ xác định những ưu tiên trong tiến trình phát triển bền vững; lắng nghe và tạo môi trường đổi mới sáng tạo, hiệu quả trong kết nối với địa phương, doanh nghiệp và Việt Nam với thế giới", Phó Thủ tướng nói.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu và các đơn vị thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường (Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường) với Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhằm phối hợp triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực và hành động hướng tới mục tiêu Net-Zero của Việt Nam.

Cũng tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ công bố và vinh danh 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2023 nhận giải thưởng Rồng Vàng (Golden Dragon Awards) - Lần thứ 23.

Theo Minh Khôi - BCP