Báo cáo “Chuỗi cung ứng điện gió ngoài
khơi cho kịch bản phát triển nhanh của Việt Nam” được Đại sứ quán Na Uy tại Việt
Nam vừa công bố chỉ ra rằng Việt Nam có tiềm năng hứa hẹn trở thành một trung
tâm về điện gió ngoài khơi tại châu Á - Thái Bình Dương, với tốc độ gió cao
hàng đầu thế giới và điều kiện đáy biển thuận lợi.
Tiềm năng hứa hẹn
Báo cáo nhận định, thị trường điện gió
ngoài khơi Việt Nam được đánh giá là đầy hứa hẹn, với tốc độ gió cao hàng đầu
thế giới và điều kiện đáy biển thuận lợi. Chuỗi cung ứng đang được ngành Dầu
khí trong nước sử dụng, kết hợp với cơ sở hạ tầng điện gió trên bờ và gần bờ hiện
có, có tiềm năng hỗ trợ phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi trong nước.
Bên cạnh đó, đơn đặt mua các bộ phận trong
cấu trúc điện gió ngoài khơi gần đây từ các thị trường quốc tế báo hiệu sự khởi
đầu đầy hứa hẹn để Việt Nam trở thành một trung tâm về điện gió ngoài khơi tại
châu Á - Thái Bình Dương.
Xét đến vị trí thuận lợi trong khu vực
châu Á - Thái Bình Dương, giao thông hàng hải và cơ sở hạ tầng cảng, Việt Nam
cũng có tiềm năng trở thành trung tâm chuỗi cung ứng các bộ phận trong cấu trúc
điện gió ngoài khơi, đặc biệt trong các lĩnh vực gia công móng jacket; sản xuất
trụ; lắp ráp vỏ bọc tuabin.
Nguồn lực hạ tầng
Báo cáo cũng đánh giá cơ sở hạ tầng cảng
biển của Việt Nam để xác định khả năng hỗ trợ hậu cần và vận hành các dự án điện
gió ngoài khơi.
Theo đó, các cảng ở khu vực phía Bắc, bao gồm cả các cảng ở cụm cảng Hải Phòng, đang cho thấy năng lực thấp trong việc hỗ trợ ngành điện gió ngoài khơi, đòi hỏi đầu tư cao hơn và thời gian phát triển dài hơn.
Cụ thể, chiều cao có hạn của nhiều nhà máy
đóng tàu nổi tiếng ở miền Bắc sẽ hạn chế đáng kể việc vận chuyển móng.
Hạn chế về chiều cao kết hợp với vị trí địa
lý gần các nơi sản xuất linh kiện điện và cáp (Công ty cổ phần Cáp điện và Hệ
thống LS-VINA, Công ty TNHH GE Việt Nam và Công ty TNHH ABB Automation and
Electrification (Việt Nam)) khiến các nhà máy này lý tưởng cho việc phát triển
các thành phần phức tạp nhỏ hơn như dây chuyền lắp ráp tuabin gió phát điện
(WTG) hoặc các thành phần của trạm biến áp ngoài khơi (OSS) trong tương lai.
Mặt khác, các cảng này cũng có thể tận dụng
kinh nghiệm đóng tàu có bề dày của mình để đóng các tàu chuyên dụng cho điện
gió ngoài khơi.
Các cảng ở khu vực phía Nam có điều kiện
thuận lợi để xây dựng các bộ phận lớn hơn, rất có thể là do ảnh hưởng bởi sự hiện
diện từ lâu của ngành Dầu khí.
Một địa điểm đáng chú ý là cụm Cảng Vũng
Tàu, nơi PTSC đang tiên phong trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Tuy vậy, khu
vực cạnh bến cảng và sân bãi ùn tắc do hoạt động dầu khí ở Vũng Tàu có thể cản
trở hoạt động tập kết để phát triển trong tương lai.
Cụm cảng Thị Vải cũng có thể đóng vai trò
là trung tâm sản xuất và lắp ráp do có sự hiện diện của các cơ sở sản xuất lớn
cho trụ điện gió và móng thép lớn (CS Wind và SREC). Trong tương lai, cụm cảng
này cũng có tiềm năng phát triển về sản xuất móng đơn.
Để thúc đẩy phát triển năng lực chuỗi cung
ứng nội địa, các cảng phía Nam cần tiếp tục bồi dưỡng năng lực sản xuất móng và
trụ. Các cảng ở Vũng Tàu cần thống nhất phối hợp hành động, để nâng cao năng lực
và hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất. Việc các cảng phối hợp trong các hoạt động
khác nhau là rất cần thiết và cho phép tối ưu hóa các hoạt động hậu cần, đảm bảo
thực hiện liền mạch các dự án.
Các nhà cung cấp trong nước cũng được phân
tích để đánh giá tiềm năng hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi dựa trên khả
năng hiện có và sự sẵn sàng hỗ trợ các dự án phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng
kiểu này.
Bản đánh giá các nhà cung cấp chỉ ra rằng,
năng lực sản xuất móng và trụ hiện tại của Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu
cụ thể về điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, do nhu cầu trong nước, kéo theo là
trong khu vực, được dự đoán là sẽ tăng, nên cơ sở hạ tầng hiện tại sẽ không thể
đáp ứng việc cung cấp các bộ phận chính như cánh và vỏ của WTG.
Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà sản xuất
thiết bị gốc cho WTG vẫn chưa xác nhận kế hoạch thành lập các cơ sở sản xuất
như vậy tại Việt Nam.
Loạt khuyến nghị cho "Chuỗi cung ứng
điện gió ngoài khơi cho kịch bản phát triển nhanh của Việt Nam
Báo cáo chỉ ra rằng, các nhà cung cấp đang
do dự trong việc mở rộng năng lực hiện tại vì lộ trình các dự án hiện tại không
rõ ràng và chủ yếu được thúc đẩy bởi mong muốn đẩy mạnh năng lượng gió ngoài
khơi của Chính phủ. Nếu tình hình này thay đổi, các nhà cung cấp sẽ sẵn sàng đầu
tư, mở rộng năng lực và hỗ trợ thị trường, bước đầu là thị trường trong nước.
Để thúc đẩy và phát triển hơn nữa chuỗi
cung ứng trong nước, báo cáo đã đưa ra một loạt các kiến nghị cụ thể.
Đó là, cải thiện khung chính sách điện gió
ngoài khơi thông qua việc Quốc hội cần ban hành luật hoặc hướng dẫn các cơ quan
chức năng xây dựng khung pháp lý mạnh mẽ, rõ ràng và vững chắc cho điện gió
ngoài khơi.
Tiếp đó là xây dựng kế hoạch thực hiện rõ
ràng, trong đó, tuyệt đối không thể phóng đại phương diện thời gian, vì đây là
yếu tố cần thiết để lập kế hoạch tài chính và đầu tư.
Cùng với đó là phát triển biện pháp khuyến
khích đầu tư. Theo đó, Chính phủ nên thực hiện kế hoạch định giá minh bạch,
cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin rõ ràng về những điều chỉnh giá dự kiến -
bất kể cơ cấu giá. Việc giới thiệu một cơ chế Hợp đồng mua bán điện (PPA) có thể
sinh lời cũng được cho là sẽ thu hút nguồn tài chính quốc tế.
Đối với vấn đề tăng cường khả năng tiếp cận
tài chính, báo cáo cho rằng, việc hỗ trợ của Chính phủ, bao gồm trợ cấp vốn, miễn
thuế và cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, sẽ tạo ra
ngành công nghiệp phụ trợ có tính cạnh tranh, giảm chi phí đầu tư cho các giải
pháp năng lượng bền vững.
Một điểm quan trọng khác là tinh giản các
mẫu Hợp đồng mua bán điện (PPA) theo hướng đàm phán PPA cần phải hiệu quả hơn để
giảm chi phí cho nhà đầu tư. Các cơ quan Chính phủ có liên quan được đề nghị giảm
bớt thời gian cần thiết để xây dựng các hướng dẫn và phê duyệt theo quy định,
vì trong một số trường hợp điều đó có thể mất nhiều năm. Tình trạng thiếu rõ
ràng và chậm trễ trong việc cấp phép phê duyệt thường dẫn đến chậm trễ trong
quá trình thực hiện hoặc bỏ dở hoàn toàn các dự án.
“Một khi thiết lập được các chính sách như
trên, chuỗi cung ứng trong nước sẽ sẵn sàng đầu tư và mở rộng phạm vi năng lực
hơn nữa. Các cơ sở sản xuất liên quan đến điện gió ngoài khơi ở Việt Nam sẽ phải
được nâng cấp để hỗ trợ nhu cầu mới nổi lên”, báo cáo nhận xét.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của báo cáo, để
đáp ứng nhu cầu của các kịch bản giả định, trong các kịch bản thời gian vận
hành thương mại vào năm 2030 và 2035, cần xem xét các hành động cụ thể gồm tăng
cường cơ sở hạ tầng lưới điện; nâng cấp kết cấu hạ tầng cảng biển; sự tham gia
của trường đại học và ngành công nghiệp.
Các nhà cung cấp thừa nhận rằng, các quyết
định đầu tư của họ liên quan chặt chẽ tới sự phát triển của thị trường điện gió
ngoài khơi ở Việt Nam và thị trường này cần được đảm bảo bằng một lộ trình dự
án nhất quán. Đây cũng là nền tảng cho sự phát triển của chuỗi cung ứng và cơ sở
hạ tầng điện gió ngoài khơi trong nước.
Một yếu tố quan trọng khác có thể góp phần
phát triển chuỗi cung ứng trong nước là hoàn thiện khung pháp lý cụ thể về điện
gió ngoài khơi. Tuy nhiên, Việt Nam, tính đến thời điểm thực hiện báo cáo này
(tháng 10/2023), vẫn chưa thiết lập được khung pháp lý như thế, dẫn đến các chủ
đầu tư không sẵn sàng hợp tác với các nhà cung cấp trong nước và cam kết đầu tư
vào cơ sở hạ tầng nội địa.
Đáng nói là khi lĩnh vực điện gió ngoài
khơi tiếp tục phát triển, tiềm năng tạo ra việc làm trực tiếp, việc làm gián tiếp
và việc làm phát sinh sẽ tăng lên. Ước tính rằng, sẽ có khoảng 55.000 việc làm,
trực tiếp, gián tiếp và phát sinh, được tạo ra trong quá trình phát triển công
suất điện gió ngoài khơi 6 GW như được trình bày trong Quy hoạch Điện VIII.
Theo PTT