Việt Nam đang
trong quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, với sự quan tâm, đầu tư và sự vào cuộc
của cả hệ thống chính trị. Trong quá trình chuyển đổi số, một trong các lĩnh vực
không thể thiếu là các trung tâm dữ liệu, nền tảng phục vụ lưu trữ thông tin, dữ
liệu từ các hoạt động số.
Trang Mondaq cho
biết, Việt Nam được xếp hạng là điểm đến quan trọng trong số các nền kinh tế mới
nổi để xây dựng trung tâm dữ liệu và dự kiến sẽ đạt quy mô thị trường khoảng
1,5 tỷ USD vào năm 2026 do đang trải qua quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ. Nhu cầu
lưu trữ và xử lý dữ liệu, cả trong và ngoài nước, đang tăng lên đáng kể.
Cùng chung nhận
định này, trang Business Wire cho biết, Việt Nam cùng với Philippines, New
Zealand đang chứng kiến những khoản đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng trung tâm dữ
liệu, cho thấy tiềm năng tăng trưởng trên thị trường trung tâm dữ liệu.
Trong khi đó,
trang Yahoo Finance cũng nhận định, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ
chứng kiến sự tăng trưởng thị trường nhanh nhất về trung tâm dữ liệu, trong đó,
Việt Nam, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia sẽ chứng kiến nhu cầu về trung
tâm dữ liệu tăng lên đang kể.
GS. Eryk
Dutkiewicz tại Đại học Công nghệ Sydney, Australia cho rằng: “Để thành công
trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, ngành trung tâm dữ liệu là điều bắt buộc
đối với Việt Nam. Và để tiến xa hơn và sau này dẫn đầu ngành, điều quan trọng
là phải có lực lượng lao động công nghệ thông tin được đào tạo tốt và có tay
nghề cao, đồng thời có cơ sở hạ tầng phù hợp. Nếu các trường đại học, viện
nghiên cứu của bạn có thể dẫn đầu trong các lĩnh vực này và cung cấp cho đất nước
lực lượng lao động có tay nghề cao, cùng với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để
lưu trữ dữ liệu, truyền dữ liệu và phân tích dữ liệu, chẳng hạn như cho kết nối
quang tốc độ cao ra thế giới bên ngoài thì ngành này mới có thể cất cánh và
phát triển ở Việt Nam. Và điều này sẽ đưa Việt Nam vào thế cạnh tranh để dẫn đầu
ngành trung tâm dữ liệu ở châu Á trong thời gian tớ”.
Về tiềm năng
ngành trung tâm dữ liệu, trang Vietnam-briefing cho biết, lĩnh vực trung tâm dữ
liệu của Việt Nam đã sẵn sàng cho sự mở rộng ổn định, với mức tăng trưởng đáng
kể so với mức 561 triệu USD được ghi nhận vào năm 2022. Sự tăng trưởng dự kiến
này được củng cố bởi tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10,68%, kéo dài từ năm
2022 đến năm 2028.
Theo VTV