Theo Bloomberg, công ty chip Đài Loan dự đoán doanh thu từ mảng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tăng gấp đôi và tiếp tục giữ nguyên kế hoạch đầu tư vốn hàng chục tỉ USD.
Vượt sóng
gió thương mại
Trong bối
cảnh thị trường bán dẫn toàn cầu đầy biến động, TSMC vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng
doanh thu ở mức trung bình 20% trong năm 2025 - không thay đổi so với kế hoạch
đề ra hồi tháng 1. Công ty cũng giữ nguyên kế hoạch chi tiêu vốn từ 38 đến 42 tỉ
USD, bất chấp những bất ổn về thuế quan do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald
Trump tái khởi động.
CEO C.C.
Wei cho biết, nhu cầu với các dòng chip cao cấp - đặc biệt là chip phục vụ AI -
vẫn rất mạnh mẽ, đóng vai trò động lực chính hỗ trợ tăng trưởng. Điều này phần
nào trấn an các nhà đầu tư vốn đang dao động sau khi Mỹ công bố thêm các hạn chế
xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc và ASML báo cáo kết quả kinh doanh không như
kỳ vọng.
“Chúng tôi
hiểu rằng các chính sách thuế có thể tạo ra rủi ro. Tuy nhiên, cho đến nay
chúng tôi chưa ghi nhận thay đổi lớn nào trong hành vi khách hàng. Chúng tôi sẽ
tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong thời gian tới”, ông Wei nhấn mạnh.
Thị trường lo lắng
Sự tự tin
của TSMC nổi bật giữa bối cảnh thị trường toàn cầu đang bao trùm bởi bất ổn.
Các chính sách thuế quan của Mỹ, vốn nhằm vào hàng hóa từ Trung Quốc và nhiều
quốc gia khác, đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng bán dẫn và khiến giới phân tích
lo ngại về nhu cầu tiêu dùng trong năm 2025.
Nhiều
chuyên gia đặt câu hỏi liệu các tập đoàn công nghệ như Microsoft hay Meta có tiếp
tục đặt mua lượng lớn chip từ Nvidia - khách hàng quan trọng của TSMC - như
trong các năm trước hay không. Trong khi đó, thị trường bán dẫn toàn cầu đã chứng
kiến đợt bán tháo mạnh với chỉ số ngành giảm trên 22% từ đầu năm, cao hơn mức
giảm của S&P 500.
Dù vậy,
TSMC vẫn gây bất ngờ khi dự báo doanh thu quý 2 sẽ đạt từ 28,4 - 29,2 tỉ USD -
vượt kỳ vọng thị trường. Trước đó, công ty công bố lợi nhuận ròng quý đạt 361,6
tỉ Đài tệ (tương đương 11,1 tỉ USD) - kết quả vượt xa dự báo, một phần nhờ các
đơn hàng tích trữ linh kiện điện tử tại Mỹ đề phòng chiến tranh thương mại leo
thang.
Thách thức
lớn
Trong báo
cáo đánh giá từ Bloomberg, các chuyên gia nhận định tốc độ tăng trưởng của TSMC
có thể chịu tác động bởi hai yếu tố chính: hạn chế xuất khẩu chip AI (ví dụ
Nvidia H20) và nguy cơ áp thuế bán dẫn từ Mỹ. Cả hai đều khiến nhu cầu từ những
khách hàng lớn như Apple và Nvidia trở nên khó đoán hơn.
Tuy nhiên,
TSMC vẫn đang mở rộng năng lực sản xuất với đơn đặt hàng hệ thống EUV trị giá
1,2 tỉ euro từ ASML trong quý đầu năm - tăng 83% so với cùng kỳ. Đây là dấu hiệu
cho thấy công ty vẫn duy trì lộ trình công nghệ tiên tiến và chuẩn bị cho tương
lai dài hạn.
Dù cổ phiếu
đã giảm khoảng 20% từ đầu năm 2025 - thấp hơn mức trung bình ba năm và chỉ số
ngành - TSMC vẫn được giới đầu tư xem là “người khổng lồ thận trọng”, sẵn sàng
xoay chuyển trước mọi bất ổn từ địa chính trị đến chu kỳ kinh tế.
Việc Tổng
thống Donald Trump tái khởi động chiến lược “nước Mỹ trước tiên” với hàng loạt
chính sách thuế mới đang làm lung lay chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
TSMC, với
vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu, buộc phải theo dõi sát động
thái từ Washington. Công ty vừa công bố đầu tư bổ sung 100 tỉ USD tại Mỹ - một
bước đi được ông Trump ca ngợi là “chiến thắng chiến lược”. Tuy nhiên, điều này
không làm thay đổi chiến lược tăng trưởng toàn cầu của TSMC, vốn dựa trên nhu cầu
thực tế và khả năng phát triển AI.
TSMC đặt nhiều kỳ vọng vào làn sóng đầu tư AI sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm tới, đặc biệt khi các công ty từ OpenAI đến Google, Amazon đều chạy đua huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn. Chip cao cấp - do TSMC sản xuất - là thành phần không thể thiếu trong quá trình này.
Năm 2025
có thể là phép thử thực sự cho toàn ngành bán dẫn. Nếu nhu cầu AI giữ vững,
TSMC không chỉ đứng vững mà còn có thể tăng tốc. Nhưng nếu các rào cản chính
sách hoặc chi phí leo thang khiến doanh nghiệp cắt giảm đầu tư, thách thức sẽ
hiện rõ hơn bao giờ hết.
Theo MTG