Nâng cao
nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân
Mục đích của
Kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến
nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tập huấn, bồi dưỡng
nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công
tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm
của người dân trong tuân thủ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời,
xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách
nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi
hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống
nhất và hiệu quả; xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt
động triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả
nước.
Tổ chức hướng
dẫn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Theo đó, Kế
hoạch sẽ triển khai: Tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến, tập huấn chuyên sâu
về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức rà soát văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo,
hướng dẫn của các Bộ, ngành và địa phương về công tác bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng; xây dựng, ban hành văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng và triển khai thực hiện
các dự án, đề án, chương trình, hoạt động cấp quốc gia về bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng; ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng.
Trong đó,
Kế hoạch triển khai xây dựng, biên soạn tài liệu phổ biến, tuyên truyền, tập huấn
chuyên sâu các nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để các cơ
quan, tổ chức có liên quan tham khảo, sử dụng thống nhất trên toàn quốc; tổ chức
hội nghị quán triệt, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về Luật Bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật này và các văn
bản pháp luật có liên quan đối với cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, quản
lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại cơ quan trung ương và Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tổ chức
tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và
các điểm mới của Luật này bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện,
tình hình thực tế; tổ chức thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ
biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các văn bản quy phạm pháp luật quy
định chi tiết Luật này và các văn bản pháp luật có liên quan trên các phương tiện
thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về phổ
biến, giáo dục pháp luật.
Đồng thời,
các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và lĩnh vực mình quản lý tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện
hành có liên quan; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng do bộ, ngành, địa phương mình đã ban hành, thực hiện; đề xuất sửa đổi,
bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các
văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan, bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định
của luật chuyên ngành và các văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các
cấp với các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Xây dựng một
số nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Nghị định của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng; Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và
bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo BCP