Đồ án Điều
chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 vừa được UBND TP.HCM
trình HĐND TP.HCM hôm 19-5 xác định 12 khu vực trung tâm thương mại ngầm dưới
lòng đất mà TP có thể phát triển.
5 khu
thương mại ngầm ở trung tâm TP
“Địa chất
của TP.HCM chủ yếu hình thành từ nền phù sa cổ có cấu tạo đất sét, sỏi, cát và
cuội. Đất có độ nén cao phù hợp cho việc chịu tải nhưng không quá cứng cho việc
khai quật, cấu thành phù hợp cho việc phát triển không gian ngầm, phù hợp nhất
tại vùng trung tâm với cấu tạo nền đất cổ” - đồ án nói về tiềm năng phát triển
không gian ngầm ở TP.HCM.
Theo đó, đồ
án đề xuất chia TP.HCM thành 4 khu vực trọng điểm cần nghiên cứu phát triển
không gian ngầm gồm: Trung tâm TP hiện hữu (930 ha), trung tâm Thủ Thiêm (TP Thủ
Đức), trung tâm Chợ Lớn – Phú Thọ (khu quận 5 – 10) và trung tâm Hòa Hưng – Cộng
Hòa (ga Hòa Hưng quận 3 và khu Cộng Hòa quận Tân Bình).
Không gian
ngầm ở 4 khu vực trọng điểm này có tổng cộng 23 khu vực phát triển không gian
ngầm gồm 12 không gian ngầm thương mại, 7 không gian ngầm nhà ga và 4 không
gian ngầm đặc thù.
Ngoài 23
không gian ngầm ở 4 khu trọng điểm, TP có thể nghiên cứu thêm 3 không gian ngầm
bên ngoài là hầm tích hợp mở rộng cầu Phú Mỹ (quận 7), khu vực nhà ga Trường
Chinh – Âu Cơ (quận Tân Bình), khu vực nhà ga công viên Gia Định (quận Gò Vấp).
Cụ thể, với
riêng khu vực trung tâm TP.HCM hiện hữu có tổng cộng 8 khu vực phát triển không
gian ngầm: 5 không gian ngầm thương mại (khu vực đường Lê Lợi và đường Nguyễn
Huệ, công viên Lê Văn Tám, công viên 23/9, khu ga Ba Son của Metro 1, ga Tân Cảng
và khu dân cư), 3 không gian ngầm đặc thù (bến Bạch Đằng và đường Tôn Đức Thắng,
ga Bến Thành và Đường Hàm Nghi, cảng Sài Gòn).
Trung tâm
Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) có 2 không gian ngầm thương mại và 2 khu vực ngầm đặc
thù. Trung tâm Chợ Lớn – Phú Thọ có 3 khu ngầm thương mại (trung tâm phức hợp
thể thao Phú Thọ, khu vực Đường Lê Hồng Phong – Hùng Vương, khu vực đại học đường
Nguyễn Văn Cừ), 1 không gian ngầm nhà ga là nhà ga Chợ Lớn gần công viên Văn
Lang, 1 không gian ngầm đặc thù là khu y tế tập trung Chợ Lớn.
Trung tâm
Hòa Hưng – Cộng Hòa có 2 khu ngầm thương mại là khu vực đô thị C30 (gần Đại học
Bách Khoa) và khu vực đường Tô Hiến Thành, 3 khu ngầm nhà ga là nhà ga Hòa
Hưng, nhà ga Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa và một khu ngầm đặc thù
là khu kết nối sân bay Tân Sơn Nhất.
12 khu trung tâm thương mại ngầm (màu đỏ) TP.HCM có thể phát triển trong
tương lại. Ảnh: Đồ án
TP.HCM nên
phát triển khu thương mại ngầm như thế nào?
Đồ án nêu
không gian ngầm thương mại là không gian tạo liên kết trực tiếp dành cho người
đi bộ, giảm sự ảnh hưởng của phương tiện cơ giới, tăng lưu lượng người qua lại
nhằm phát triển thương mại cho các doanh nghiệp trong khu vực.
“Không
gian này cần được định hướng quy mô và chi tiết chức năng bởi cơ quan quản lý
các chức năng đô thị với sự góp ý, hợp tác tham gia của các doanh nghiệp và các
bên có thể đấu nối vào không gian ngầm” - đồ án nêu về không gian ngầm thương mại.
Thường các
không gian trung tâm thương mại ngầm này sẽ có cửa hàng (kiosk), lối đi ngầm và
không gian công cộng, khu thương mại…
Đồ án cũng
nêu ví dụ minh họa không gian trung tâm thương mại ngầm ở Marina Link bay mall
(Singapore) là khu phức hợp thương mại với khoảng 16.600 m2 sàn thương mại cho
thuê liên kết 2 ga metro và 3 line MRT (hệ thống tàu điện ngầm). Đồng thời nó
cũng liên kết với các trung tâm văn hóa, dịch vụ của thành phố.
“Mạng lưới
đường dành cho người đi bộ dưới lòng đất với 32 km trải dài với diện tích 1,77
km2 tại TP Montreal (Canada) liên kết các loại hình dịch vụ đô thị của thành phố.
Các trung tâm thương mại ngầm thành công ở đây không chỉ đón lượt khách ghé
thăm mà còn tận dụng lưu lượng khách đi lại bằng phương tiện công cộng” - đồ án
nêu ví dụ mà TP.HCM cần tham khảo khi phát triển không gian ngầm thương mại của
mình.
Khu vực
trung tâm thành phố 930 ha và khu vực Thủ Thiêm được xác định là trung tâm của
TP.HCM với nhu cầu xây dựng rất cao và ngày càng tăng, tỉ lệ thuận với sự gia
tăng giá trị sử dụng đất và sự khan hiếm diện tích mặt đất để bố trí xây dựng
công trình.
“Khu vực
này cần được đẩy mạnh kết nối giữa các không gian ngầm tư nhân và không gian ngầm
công cộng như kết nối giữa các công trình cao ốc thương mại và các tuyến đường
đi bộ ngầm, các ga tàu giao thông công cộng” - đồ án phân tích.
Sở
QH&KT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM để báo cáo Bộ Xây dựng về quản
lý quy hoạch không gian xây dựng ngầm trên địa bàn. Theo đó, Sở QH&KT TP đề
xuất nhà của hộ gia đình, cá nhân được xây dựng tối đa một tầng hầm nhưng không
dùng làm phòng ở.
Sở
QH&KT TP cũng cho biết ngoài nhu cầu xây dựng tầng hầm tại các khu trung
tâm thương mại, công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật... người dân trên địa
bàn có nhu cầu xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ có tầng hầm là rất lớn, đặc
biệt các quận trung tâm thành phố. Từ 2004 đến quý I năm nay, TP đã cấp giấy
phép 1.600 công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ có tầng hầm.
PLO