Nhằm hướng đến phát triển bền vững, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, mới đây, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) và UBND TPHCM đã phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển tăng trưởng xanh TPHCM.


Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi TPHCM cho biết, TPHCM được xác định là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) công bố cho thấy, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2.

TPHCM đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 nhằm nỗ lực để xây dựng một môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng mục tiêu giảm 10% phát thải CO2 là “tham vọng, nhưng có thể thực hiện được với chiến lược phù hợp”.

Bà Carolyn Turk cho rằng cần tạo động lực cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh. Ở nhiều nước, việc sử dụng công cụ thuế để các doanh nghiệp phát triển xanh đã được sử dụng, nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện, vì giới hạn ngân sách, và nhất là với các nước đang phát triển. Ngân hàng thế giới mong đồng hành với TPHCM thực hiện chiến lược phát triển kinh tế giảm phát thải.

TPHCM và WB đã tạo nhóm công tác chung 2 năm trước và có một số kết quả, như gói đầu tư 650 triệu USD cho một chương trình dài hạn 10 năm. Có chương trình đầu tư nâng cấp tài sản công; triển khai chương trình quản lý ngập tích hợp… WB cam kết hỗ trợ TPHCM tiếp cận nguồn tài chính, thu hút nguồn lực nước ngoài để giảm phát thải carbon. Theo bà Carolyn Turk, thị trường tín chỉ carbon là một nguồn lực tốt và hy vọng TPHCM có thể bán được tín chỉ trên thị trường carbon tự nguyện.

Đáng chú ý, TPHCM đã đề ra các cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. Theo bà Marieke Van Der Pijl, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nghị quyết 98 bao trùm nhiều lĩnh vực như quản lý đầu tư, tài chính, quản lý đô thị, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Điều này không chỉ phù hợp với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu mà còn định vị TPHCM là một đô thị có tư duy tiến bộ và có ý thức về môi trường. Những cơ chế đó mang đến những cơ hội thú vị cho đầu tư xanh ở TPHCM.

Chú trọng phát triển điện tử, vi mạch

Trong khuôn khổ hội nghị, TPHCM đã công bố danh mục kêu gọi đầu tư 28 dự án trong chương trình phát triển xanh của thành phố, với tổng vốn gần 160.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tổng số 28 dự án kêu gọi đầu tư của TPHCM lần này có 6 dự án liên quan đến công nghệ cao. Cụ thể, có 5 dự án thuộc nhóm nghiên cứu và triển khai lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học với tổng giá trị vốn kêu gọi đầu tư là gần 4.400 tỷ đồng, tương ứng gần 190 triệu USD. Riêng dự án trung tâm dữ liệu (Data Center) có vốn đầu tư 6.950 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, hiện nay, các khu đất tại Khu Công nghệ cao này đều là đất “sạch” và có đầy đủ hạ tầng như đường giao thông, điện nước, viễn thông… Khi nhà đầu tư vào có thể khởi công xây dựng nhà máy được ngay. Với vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước, yêu cầu đặt ra với TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là phải lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Việc mời gọi đầu tư phát triển ngành vi mạch bán dẫn sẽ góp phần vào chuyển đổi cơ cấu công nghiệp và kiến tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố.

Ngoài những dự án trên, TPHCM cũng kêu gọi đầu tư vào một số dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, có dự án Khu trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng 7,7 ha có tổng đầu tư 12.071 tỷ đồng; dự án khu phức hợp trung tâm hội nghị triển lãm, khách sạn và thương mại dịch vụ 15,8 ha với vốn đầu tư 1.659 tỷ đồng; quảng trường trung tâm và công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với vốn đầu tư 5.348 tỷ đồng...