Đây là kết quả từ Bảng xếp hạng Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2024 vừa được Cục Thống kê công bố.
Theo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian
(SCOLI) 2024 của Cục Thống kê, Hà Nội tiếp tục là địa phương có chi phí sinh hoạt
cao nhất cả nước. Quảng Ninh vượt lên chiếm vị trí thứ 2, đẩy TP.HCM xuống thứ
3. Hải Phòng
và Đà Nẵng lần lượt xếp thứ 4 và 5.
Bảng xếp hạng cũng cho hay, Vùng Đông Nam Bộ
là khu vực có mức sống đắt đỏ nhất cả nước (chỉ số 100,37%), trong khi Đồng bằng
sông Cửu Long có chi phí thấp nhất. Đồng thời chỉ ra nguyên nhân chính của sự đắt
đỏ là do mức độ phát triển kinh tế, đô thị hóa và thu nhập bình quân đầu người
cao hơn. Trong khi đó Khoảng cách giá cả giữa các vùng đang thu hẹp nhờ thương
mại điện tử và logistics phát triển.
Top 5 địa phương
có chi phí sinh hoạt cao nhất cả nước
Ở cấp độ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, kết quả SCOLI 2024 cho thấy:
1. Hà Nội: Tiếp tục là địa phương có chi phí
sinh hoạt cao nhất cả nước.
2. Quảng Ninh: Vươn lên vị trí thứ hai. Đây là tỉnh có sự phát triển kinh tế mạnh
mẽ, là trung tâm kinh tế biển, du lịch, năng lượng và cửa ngõ giao thương phía
Bắc, khiến mặt bằng giá cả tiệm cận mức cao.
3. TP.HCM:
Tụt xuống vị trí thứ ba. Dù là đầu tàu kinh tế, một số nhóm hàng tại TP.HCM
(may mặc, ăn uống, giải trí, giao thông) lại có giá bình quân thấp hơn Hà Nội,
có thể do sự cạnh tranh gay gắt của thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, các nhóm chi
phí khác như giáo dục, bưu chính viễn thông, nhà ở, điện nước, y tế lại cao hơn
Hà Nội.
4. Hải
Phòng: Đứng thứ tư, nhờ lợi thế công nghiệp, dịch vụ cảng biển và du lịch phát
triển.
5. Đà Nẵng:
Vươn lên vị trí thứ năm (tăng 3 bậc). Thành phố này thu hút người dân có thu nhập
khá nhờ môi trường sống tốt, trong khi chi phí sinh hoạt vẫn dễ chịu hơn Hà Nội
và TP.HCM, đặc biệt là giá thực phẩm, dịch vụ ăn uống, y tế, giáo dục.
Nhìn
chung, trật tự chi phí sống giữa các địa phương không có xáo trộn lớn. Các
thành phố lớn, trung tâm kinh tế tiếp tục có mức giá cao hơn hẳn nhóm tỉnh miền
núi, chủ yếu do chênh lệch giá ở các nhóm dịch vụ, giáo dục, nhà ở thuê, vui
chơi giải trí.
Các địa phương có chi phí sinh hoạt thấp nhất
Quảng Trị:
Có chỉ số SCOLI thấp nhất cả nước. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thu nhập
bình quân thấp, chi phí hàng hóa thiết yếu và dịch vụ rẻ.
Bến Tre: Đứng
áp chót. Tỉnh miền Tây này tập trung vào nông nghiệp, chăn nuôi, chi phí dịch vụ
công, thuê nhà và hàng hóa thiết yếu ở mức thấp.
Xếp hạng chi phí sinh hoạt theo Vùng kinh tế
Xét theo 6
vùng kinh tế - xã hội, thứ tự đắt đỏ không có nhiều biến động so với năm 2023.
Vùng Đông
Nam Bộ ghi nhận chỉ số SCOLI cao nhất (100,37%), phản ánh mức giá hàng hóa và dịch
vụ cao hơn mốc chuẩn là vùng Đồng bằng sông Hồng (100%). Lý giải điều này, Cục
Thống kê cho biết đây là trung tâm kinh tế hàng đầu, tập trung nhiều khu công
nghiệp, đô thị đông dân, quá trình đô thị hóa nhanh và thu nhập bình quân đầu
người cao đã đẩy giá cả nhiều nhóm hàng lên cao (như nhà ở, điện nước, giao
thông, giáo dục, giải trí...).
Vùng Đồng
bằng sông Hồng giữ vị trí thứ hai (mốc 100%).
Tiếp theo
lần lượt là Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền
Trung, Tây Nguyên.
Vùng Đồng
bằng sông Cửu Long tiếp tục có chỉ số SCOLI thấp nhất cả nước. Lợi thế về nông
nghiệp giúp vùng này có giá lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống luôn ở mức
thấp. Các chi phí khác như nhà ở, điện nước, y tế, giáo dục cũng "mềm"
hơn so với các vùng đô thị hóa cao.
Một điểm
đáng chú ý là khoảng cách về giá giữa các vùng đang có xu hướng thu hẹp. Cục Thống
kê nhận định sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, sự minh bạch về giá
và cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp, cùng với hệ thống logistics ngày
càng hoàn thiện, đã giúp giá cả hàng hóa, dịch vụ tiệm cận hơn giữa các địa
phương.
Báo cáo
SCOLI 2024 của Cục Thống kê cung cấp một bức tranh tổng thể về sự chênh lệch và
biến động chi phí sinh hoạt giữa các vùng miền và địa phương tại Việt Nam.
Trong khi các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM tiếp tục duy
trì mức giá đắt đỏ, các tỉnh thuần nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long và một
số tỉnh miền Trung lại có mức sống dễ chịu hơn đáng kể. Xu hướng thu hẹp khoảng
cách giá cả nhờ thương mại điện tử cũng là một điểm đáng chú ý.