Mới đây vào
ngày 19/10, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức họp báo thường kỳ quý 3/2023,
đánh giá kết quả 9 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng
tâm những tháng cuối năm 2023.
Bộ Xây dựng
cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng có xu hướng
giảm sản lượng sản xuất và mức tiêu thụ so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, sản
lượng sản xuất xi măng trong 9 tháng đầu năm nay đạt khoảng 61,5 triệu tấn, giảm
4% so với cùng kỳ năm 2022; tiêu thụ đạt 66 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ.
Trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa đạt 42 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ; xuất
khẩu sản phẩm xi măng và clinker đạt 24 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm
2022, giá trị xuất khẩu trong giai đoạn này ước đạt 1,2 tỷ USD.
Theo số liệu
của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 9 tháng đầu năm, cả nước sản xuất 7,72
triệu tấn thép xây dựng, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng bán hàng
trong giai đoạn này đạt 7,74 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất
khẩu đạt 344.676 tấn, giảm 13% so với cùng kỳ.
Xét tổng
thể nhu cầu sử dụng thép xây dựng ở nội địa và xuất khẩu trong 9 tháng vừa qua ở
mức thấp, các nhà máy giảm giá bán để đáp ứng kế hoạch sản xuất/bán hàng. Việc
cạnh tranh về giá bán, thị phần, thị trường của các nhà máy ngày càng trở nên
khốc liệt để duy trì hoạt động của nhà máy. Thời gian tới, VSA cho rằng các
lĩnh vực gặp khó khăn như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, thị trường bất động
sản… sẽ tiếp tục cải thiện, trong khi đó đầu tư công tiếp tục được mở rộng sẽ hỗ
trợ tích cực cho nhu cầu cầu thép những tháng cuối năm.
Gạch ốp
lát cũng trong tình trạng tương tự, so với cùng kỳ năm 2022, sản lượng sản xuất
đạt khoảng 292 triệu m², giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng tiêu
thụ khoảng 204 triệu m², giảm khoảng 11%.
Sản lượng
sản xuất sứ vệ sinh cũng giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2022 khi đạt khoảng
gần 9,3 triệu sản phẩm; sản lượng tiêu thụ sau 9 tháng đầu năm khoảng 8 triệu sản
phẩm.