Chiều
30/7, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký thỏa thuận hợp tác với
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về hỗ trợ xúc tiến đầu tư - thương
mại sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam phục vụ chuyển đổi số, phát triển
kinh tế số, xã hội số giai đoạn 2024-2026, tầm nhìn đến năm 2030.
Sự kiện đánh dấu việc hợp tác quan trọng, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số Make in Việt Nam mở rộng thị trường. Lễ ký kết có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cùng hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ số, hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí toàn quốc.
Thỏa thuận
hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mở rộng thị trường,
khai thác các cơ hội đầu tư, kinh doanh ở trong nước và nước ngoài. Đây cũng là
một trong những hoạt động góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đưa Việt
Nam trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.
Ông Phạm Tấn
Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, sự phát
triển lớn mạnh của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có ý nghĩa quan trọng
góp phần thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia như trong văn kiện Đại hội
XIII của Đảng; đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đội ngũ
doanh nhân doanh nghiệp đã đề ra trong Nghị quyết 41-NQ/TW về phát huy vai trò
đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới.
Doanh nghiệp
công nghệ số Việt Nam cũng là một trong những nhóm doanh nghiệp dân tộc quan trọng
cần thúc đẩy hỗ trợ trong bối cảnh cả nước đang tiến hành công cuộc chuyển đổi
số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội. Do vậy, hai đơn vị đã thống nhất
Chương trình hành động trong thời gian tới thông qua việc ký kết và triển khai
thỏa thuận hợp tác hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại sản phẩm công nghệ số Make
in Việt Nam, phục vụ chuyển đổi số phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn
2024 - 2026, tầm nhìn 2030.
Lễ ký kết
là khởi đầu hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mở rộng thị trường,
khai thác cơ hội đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước thông qua thị trường có
quy mô 200.000 doanh nghiệp hoạt động trong tất cả ngành, nghề kinh tế của Việt
Nam và mạng lưới đối tác của hai bên. Đây là cơ sở để thúc đẩy chuyển đổi số,
phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Thỏa thuận
hợp tác được tập trung vào 3 nội dung chính: Tư vấn, tham vấn xây dựng chiến lược,
kế hoạch chuyển đổi số, môi trường chính sách phát triển; Hỗ trợ xúc tiến
thương mại, đầu tư sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ số Make in Việt Nam
phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số đối với thị trường
trong nước và Hỗ trợ phát triển thị trường đầu tư ra thị trường nước ngoài cho
sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam.
Lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam ký thỏa thuận hợp
tác đồng hành thúc đẩy chuyển đổi số với 6 doanh nghiệp lớn gồm: Viettel, VNPT,
Mobifone, FPT, CMC và MISA.
Ông Nguyễn
Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ
Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Bộ chịu trách nhiệm tập hợp doanh nghiệp
công nghệ số Việt Nam có sản phẩm đạt giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in
Việt Nam để sẵn sàng hỗ trợ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các
doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế, xã hội số thông qua
phối hợp hiệu quả các nội dung hợp tác giữa hai bên.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm kết nối Hiệp hội các doanh nghiệp, hội viên triển khai các sản phẩm giải pháp dịch vụ công nghệ số Make in Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động kinh doanh, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nội dung hợp tác giữa hai bên.
Tại sự kiện,
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác đồng hành
thúc đẩy chuyển đổi số với lãnh đạo 6 doanh nghiệp công nghệ gồm: Tập đoàn Công
nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam
(VNPT), Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn FPT, Tập đoàn CMC và Công ty
MISA.