Chiều 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thứ 2 của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để tiếp tục đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Cùng dự có
các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và đại
diện cộng đồng doanh nghiệp.
Sau khi
nghe các báo cáo, ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh
tinh thần phản ứng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với tình hình bên
ngoài; tình hình càng khó khăn càng phải giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, kiên định,
tự tin, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, nỗ lực, càng áp lực lại càng có
động lực để vươn lên, khẳng định mình, vượt qua giới hạn bản thân.
Các đại biểu
dự họp đều thống nhất đánh giá, khi sự việc xảy ra, Việt Nam đã thể hiện tinh
thần bình tĩnh, bản lĩnh kiên cường, nỗ lực vượt khó, phản ứng chủ động, kịp thời,
linh hoạt, phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc
điện đàm rất thành công với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Chính phủ cũng đã
chủ động báo cáo, đề xuất nhiều nội dung và được Bộ Chính trị đồng ý. Đến nay,
Việt Nam đã cơ bản giải quyết những vấn đề quan tâm của phía Hoa Kỳ, đặc biệt
là chủ động giảm thuế theo Nghị định 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất
thuế nhập khẩu ưu đãi.
Thủ tướng
nhấn mạnh, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện, quan hệ
kinh tế, thương mại được thúc đẩy trên cơ sở hai nền kinh tế có tính bổ trợ, hỗ
trợ, chứ không cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau. Hoa Kỳ duy trì là thị
trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; trong khi Việt Nam nằm trong nhóm
các đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ, đồng thời là đối tác
thương mại lớn nhất ở khu vực ASEAN; xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ lớn,
nhưng có lợi cho cả hai bên.
Nếu Hoa Kỳ
áp thuế đối ứng như đã công bố sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, các thị
trường gián tiếp của Việt Nam và ảnh hưởng đến người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Thủ tướng
nhấn mạnh, khó khăn lúc nào cũng có, riêng trong nhiệm kỳ này, năm nào đất nước
cũng gặp những cú sốc khách quan từ bên ngoài, năm đầu tiên chịu tác động của đại
dịch COVID-19, năm 2022 là cuộc xung đột ngay tại châu Âu, năm 2023 là tình
hình đứt gãy chuỗi cung ứng, năm 2024 là siêu bão Yagi. Trong khi Việt Nam là
nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, một tác động nhỏ bên ngoài
cũng ảnh hưởng lớn tới bên trong, do đó, phải nắm chắc tình hình, giữ vững bản
lĩnh, sáng suốt, sáng tạo, khôn khéo, linh hoạt trong điều hành, quản lý nhưng
kiên định, kiên trì về những nguyên tắc cơ bản để bảo vệ độc lập, chủ quyền,
xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế
sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng
nhấn mạnh, cách tiếp cận, xử lý vấn đề phải mang tính tổng thể, toàn diện, vừa
có trước mắt, vừa có lâu dài, cả trực tiếp và gián tiếp, có tổng thể và cụ thể,
cả diện rộng và có trọng điểm, cả phi thuế quan và thuế quan…; tính đến tổng thể
chung quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam; sử dụng đồng bộ các biện pháp
chính trị, ngoại giao, kinh tế, đầu tư, thương mại, tranh thủ doanh nghiệp
trong và ngoài nước, doanh nghiệp Hoa Kỳ, danh nghiệp FDI tại Việt Nam; có giải
pháp đàm phán phù hợp.
Thủ tướng
chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh
Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng chính sách của Hoa
Kỳ.
Thủ tướng
nêu rõ, mục tiêu tổng thể, chiến lược là vẫn phải ổn định đất nước, giữ vững
môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; ổn định để phát triển,
phát triển để ổn định; nhân dân phải được ấm no, hạnh phúc, được tự do kinh
doanh, được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Mục tiêu tăng trưởng
GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tới là không thay
đổi để đạt 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.
Chỉ đạo một
số giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiệu quả
Nghị quyết số 59- NQ/TW, ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế
trong tình hình mới; các kết luận của Bộ Chính trị liên quan tình hình thế giới
và bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế" của Tổng Bí thư Tô
Lâm.
Cùng với đó, tiếp tục có các sáng kiến để phát triển quan hệ thương mại cân bằng, bền vững giữa hai nước, vì lợi ích hai nước và nhân dân hai nước; tiếp tục giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ trên tinh thần hai bên cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Bộ Tài
chính tiếp tục rà soát ngay các sắc thuế, mở rộng chính sách tại Nghị định 73
theo hướng tiệm cận thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống
Donald Trump tại cuộc điện đàm ngày 4/4. Bộ Công Thương chủ trì, rà soát để
tăng cường nhập khẩu từ Hoa Kỳ các mặt hàng Việt Nam có nhu cầu, có lợi khi nhập
khẩu. Xúc tiến đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam -
Hoa Kỳ.
Thủ tướng
chỉ đạo Bộ Ngoại giao tích cực thu xếp để đoàn đàm phán của Việt Nam gặp các đầu
mối quan trọng của phía Hoa Kỳ; Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tiếp tục giao thiệp
để phía Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế trong lúc chờ đàm phán. Thủ tướng lưu ý, trong
đàm phán với Hoa Kỳ cần chú ý tránh ảnh hưởng tới quan hệ với các đối tác khác.
Cùng với
đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp về thuế, phí, lệ phí để
hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước,
khẳng định quan điểm luôn đồng hành, hỗ trợ, sát cánh cùng người dân, doanh
nghiệp, nhà đầu tư trong những lúc khó khăn. Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu
quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Bộ Tài chính chú trọng số
hoá trong thu thuế, tích cực thu thuế bằng hoá đơn khởi tạo bằng máy tính tiền.
Kiểm soát tốt xuất xứ hàng hóa, thương hiệu và bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Về lâu
dài, Thủ tướng nêu rõ, phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển
nhanh, bền vững, xanh hóa, số hóa, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế
tuần hoàn; tái cơ cấu thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng theo hướng đa dạng
hóa hơn, không phụ thuộc vào một thị trường, khai thác các thị trường mới tiềm
năng, như Trung Đông, Trung Á…
Thủ tướng
một lần nữa khẳng định, đây cũng là sức ép để đổi mới, là cơ hội để doanh nghiệp
và đất nước ta vươn mình, bứt phá và vươn lên; vấn đề rất quan trọng là phải có
giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Thủ tướng yêu cầu
Bộ Tài chính phải có phương án chuẩn bị hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp
khó khăn.
Theo BCP