Chiều 14/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến đồng chí Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận
Bình thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam đúng vào năm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan
hệ ngoại giao; nhấn mạnh chuyến thăm là hoạt động cấp cao quan trọng nhất của
quan hệ Việt - Trung trong năm nay, góp phần duy trì truyền thống tốt đẹp giao
lưu cấp cao mật thiết giữa hai Đảng, hai nước.
Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ trân trọng và đánh giá cao việc đồng chí Tập Cận
Bình là lãnh đạo đầu tiên của Đảng, Nhà nước Trung Quốc thăm Việt Nam 4 lần
trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; tin rằng chuyến thăm lần này tiếp tục
là dấu mốc lịch sử, góp phần định hướng chiến lược và mang lại động lực mạnh mẽ
thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước. Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt chúc mừng
Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu 100 năm thứ nhất, tiếp tục dẫn đầu các nền
kinh tế lớn trên thế giới về tốc độ phục hồi sau đại dịch, đóng góp lớn nhất
cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, phát triển đột phá và dẫn đầu thế giới trong
nhiều công nghệ then chốt; tin tưởng Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc sẽ sớm
thực hiện thắng lợi mục tiêu 100 năm thứ hai.
Tại cuộc hội
kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giới thiệu khái quát những tình
hình lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là việc kiên trì thực
hiện "ba đột phá chiến lược" và triển khai "bộ tứ chiến lược"
gồm đột phá phát triển khoa học, công nghệ, thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn
tổ chức bộ máy, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và xây dựng nền kinh tế độc
lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam
nhất quán coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn
chiến lược và ưu tiên hàng đầu; quyết tâm thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ
tương lai Việt - Trung có ý nghĩa chiến lược ngày càng gắn kết chặt chẽ, tương
xứng với tầm cao chiến lược và chiều dài lịch sử hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước.
Nêu một số đề xuất về phương hướng và trọng tâm hợp tác thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên xây dựng quan hệ chính trị tin cậy, tốt đẹp để dẫn dắt tổng thể quan hệ song phương, duy trì trao đổi giữa lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, cơ chế hóa tiếp xúc giữa hai Thủ tướng; thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh thực sự trở thành trụ cột của quan hệ hai nước; phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ đa phương.
Thủ tướng
mong muốn hai bên nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh
vực, trong đó, dành ưu tiên cao cho hợp tác đường sắt, nhất là về tín dụng,
chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, sớm ký Hiệp định vay vốn ODA để
kịp khởi công xây dựng tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và tiếp
theo là các tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng;
thúc đẩy thương mại phát triển cân bằng, bền vững, tạo điều kiện cho nông sản
và các mặt hàng khác của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; đẩy mạnh hợp tác
phát triển lực lượng sản xuất mới, trọng tâm là khoa học - công nghệ, đổi mới
sáng tạo và chuyển đổi số; sớm có các dự án lớn mang tính biểu tượng của quan hệ
hai nước tại Việt Nam; tạo điểm sáng mới về hợp tác tài nguyên môi trường, tài
chính tiền tệ; làm sâu sắc hơn nữa hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch, hàng
không; tăng cường trao đổi, phối hợp tại các khuôn khổ đa phương.
Thủ tướng
Chính phủ cũng đề nghị hai bên tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu
nghị, hợp tác và phát triển; duy trì hòa bình, ổn định trên biển, củng cố môi
trường thuận lợi cho sự phát triển của mỗi nước; tuân thủ nhận thức chung cấp
cao, kiểm soát hiệu quả và xử lý thỏa đáng bất đồng trên tinh thần hữu nghị,
tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của
Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc
Tập Cận Bình
Khẳng định
là nước láng giềng hữu nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình rất vui mừng
lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của
năm 2025, điều này thể hiện đầy đủ sự coi trọng rất cao của Đảng và Chính phủ
Trung Quốc đối với quan hệ Trung - Việt và tình hữu nghị sâu đậm của nhân dân
hai nước. Ấn tượng trước sức sống mạnh mẽ của công cuộc Đổi mới tại Việt Nam, đồng
chí Tập Cận Bình chúc mừng những thành tựu quan trọng Việt Nam đạt được trong
công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tăng trưởng kinh tế ở mức cao và
ổn định. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chúc Việt Nam tổ chức thành
công Đại hội XIV, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn
minh, thịnh vượng.
Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc kiên trì
chính sách hữu nghị với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên
trong chính sách ngoại giao láng giềng; kiên định ủng hộ Việt Nam đi con đường
xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình của Việt Nam, sẵn sàng cùng Việt Nam tập
trung xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa hai nước xoay quanh định hướng
6 hơn, đóng góp cho sự nghiệp tiến bộ của nhân loại.
Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình bày tỏ vui mừng về kết quả tốt đẹp đạt được
trong cuộc hội đàm sâu rộng với Tổng Bí thư Tô Lâm, hai bên cũng đã ký kết hơn
40 văn kiện hợp tác, nội dung rất thực chất, toàn diện, tạo nhiều thành quả cho
chuyến thăm. Đồng chí Tập Cận Bình đánh giá cao những đóng góp quan trọng của
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai
nước.
Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình hoan nghênh và đánh giá cao những ý kiến của Thủ
tướng Phạm Minh Chính về các biện pháp tăng cường quan hệ hai Đảng, hai nước,
mong muốn hai bên phát huy tốt các cơ chế trao đổi, nhất là Ủy ban chỉ đạo hợp
tác song phương; hợp tác trên kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, giữa các bộ,
ngành chủ chốt như ngoại giao - quốc phòng - công an; nắm chắc cơ hội của sự
phát triển trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, tận dụng khoảng cách địa lý gần
gũi giữa hai nước để khai thác tiềm năng hợp tác kinh tế và phát triển các
ngành nghề; tích cực thúc đẩy cơ chế hợp tác đường sắt giữa hai nước; khẳng định
Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, ủng hộ
doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư chất lượng cao tại Việt Nam; đề nghị
hai bên tổ chức tốt các hoạt động trong khuôn khổ Năm giao lưu nhân văn Việt -
Trung; triển khai các tuyến du lịch Hành trình Đỏ, tăng cường hợp tác trong
lĩnh vực giáo dục, y tế để đem lại lợi ích tiết thực cho nhân dân hai nước; đề
nghị các bộ, ngành hai bên chủ động, tích cực triển khai các đự án hợp tác; kiểm
soát thỏa đáng bất đồng theo nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, thúc đẩy hợp
tác trên biển, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Theo BCP