Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hoà Séc, rạng sáng 21/1 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Thụy Sĩ, bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos) và hoạt động song phương tại Thụy Sĩ.
Ngay sau
khi đến Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại Đối thoại
chiến lược quốc gia Việt Nam với chủ đề ''Giải phóng tiềm năng tăng trưởng của
Việt Nam: Thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo vì một tương lai hùng cường'' với
sự tham dự của hơn 60 lãnh đạo Tập đoàn toàn cầu.
Các tập
đoàn bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ với kết quả điều hành của Chính phủ Việt Nam giúp
nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 7% năm 2024 trong bối cảnh kinh tế thế giới
đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các Tập đoàn chia sẻ và đánh giá cao
các cơ hội đầu tư hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam.
Phát biểu
tại phiên Đối thoại, Thủ tướng bày tỏ vui mừng lần thứ 4 tham dự các hội nghị
WEF và đánh giá cao chủ đề của sự kiện. Chia sẻ về tình hình và thành tựu lớn của
Việt Nam trong năm 2024, Thủ tướng cho biết tăng trưởng GDP đạt trên 7%, kinh tế
vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo
đảm và thặng dư cao; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được củng
cố, tăng cường; an sinh xã hội được bảo đảm với tinh thần không có ai bị bỏ lại
phía sau.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với
giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của
nền kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025 và đạt mức
2 con số trong những năm tiếp theo.
Thủ tướng
cho biết, năm 2024 Việt Nam đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng,
Nhà nước một cách tốt đẹp, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, thống
nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là trong những thời điểm khó khăn, thách
thức. Phân tích về các xu thế lớn, Thủ tướng đánh giá, thế giới ngày nay đang
phân cực hóa về chính trị, đa dạng hóa về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng,
xanh hóa về sản xuất kinh doanh và dịch vụ, số hóa mọi hoạt động của con người.
Ngoài ra, thế giới còn đối diện nhiều vấn đề nên phải đề cao chủ nghĩa đa
phương, hợp tác mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu.
Trong bối
cảnh đó, để giải phóng tiềm năng tăng trưởng để đạt các mục tiêu chiến lược tới
năm 2030, 2045, Việt Nam tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống
và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế
tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, lấy khoa học
công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực mới.
Trong năm
2025, Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định
kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn
đấu đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025 và đạt mức 2 con số trong
những năm tiếp theo, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của
dân tộc. Cùng với đó, Việt Nam tập trung thực hiện quyết liệt ba đột phá chiến
lược gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực theo tinh thần thể chế thông thoáng, hạ tầng
thông suốt, nhân lực và quản trị thông minh.
Thủ tướng trả lời các vấn đề quan tâm của các đại biểu tại Đối thoại chiến
lược quốc gia Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế
giới (WEF) lần thứ 55
Chia sẻ về
một số dự án hạ tầng chiến lược, Thủ tướng cho biết, Việt Nam dự kiến hoàn
thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong khoảng 10 năm, dự kiến khởi
công dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc và Trung Á, châu Âu trong năm 2025;
dự kiến hoàn thành nhà máy điện hạt nhân trong 5 năm; đồng thời nhiều dự án lớn
về sân bay, cảng biển, đường bộ cao tốc đang được thúc đẩy mạnh mẽ để về đích
đúng hạn, phấn đấu có ít nhất 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025. Cùng với
đó, Việt Nam thực hiện đột phá về nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực
chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực mới nổi trong kỷ nguyên số để đáp ứng
nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời,
khai thác các không gian phát triển mới như không gian biển, không gian ngầm,
không gian vũ trụ.
Trả lời về
các vấn đề quan tâm mà đại biểu quan tâm, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã triển
khai chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn. Việt Nam cam kết không thiếu điện
với các giải pháp đồng bộ, gồm cả phát triển điện gió, điện mặt trời, điện hạt
nhân và nhập khẩu điện. Trước quan tâm về lĩnh vực bất động sản, Thủ tướng
thông tin Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về đất đai, bất động
sản gắn với phát triển hạ tầng chiến lược để mở ra các không gian phát triển mới,
đồng thời đẩy mạnh, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia chương trình một triệu
căn hộ nhà ở xã hội. Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực y tế và công
nghiệp văn hóa, giải trí.
Thủ tướng
đề nghị các đối tác, nhà đầu tư tiếp tục đồng hành, hợp tác với Việt Nam cả
trong góp ý xây dựng, hoàn thiện thể chế, thu hút đầu tư chất lượng cao, xây dựng
hạ tầng, ưu đãi tài chính, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hiện đại, đào tạo
và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị hiện đại.