Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) thông tin, đây là tuần tăng thứ 4 liên tiếp của giá đường thô. Lo ngại sản lượng đường sụt giảm mạnh tại các quốc gia Châu Á, đặc biệt tại Ấn Độ, có thể khiến quốc gia này cấm xuất khẩu trong niên vụ 2023/24.

Lượng mưa dưới mức trung bình khiến Thái Lan, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 3 thế giới có thể chỉ xuất được 1,7 triệu tấn đường trong niên vụ 2023/24, mức thấp nhất trong 15 năm, công ty tư vấn Czarnikow cho biết. Trong khi, lượng mưa dưới mức trung bình tại Ấn Độ có thể khiến sản lượng giảm sâu và gia tăng nguy cơ cấm xuất khẩu vào tháng 10 tới.

Tuy vậy, sản lượng đường tích cực tại Brazil đã góp phần giảm bớt lo ngại về nguồn cung trên thị trường và góp phần giảm bớt lực tăng của giá. Các chuyên gia tại công ty tư vấn hàng hóa S&P Global dự đoán, sản lượng đường trong kỳ tại Brazil sẽ là 3,44 tấn, cao hơn so với mức 3,15 tấn của cùng kỳ năm trước.

Tại thị trường Việt Nam, theo đà tăng của giá đường thế giới, giá đường nội địa cũng đã bắt đầu tăng lên kể từ tháng 5/2023. Nhờ các yếu tố thuận lợi về giá đầu ra và hiệu quả từ biện pháp phòng vệ thương mại với một số sản phẩm đường gốc Thái Lan, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường trong nước đã khởi sắc.

Các doanh nghiệp mía đường trong nước đã có sự chuẩn bị để đón nhận cơ hội từ sự thiếu hụt nguồn cung trên thế giới. Đường Quảng Ngãi hiện có Nhà máy đường An Khê, công suất ép mía đạt 18.000 tấn/ngày, dây chuyền sản xuất đường tinh luyện có công suất 1.000 tấn đường/ngày. Doanh nghiệp này có diện tích mía đường lớn thứ hai (30.000 ha) và chiếm 13% thị phần đường cả nước.

Trong khi đó, Mía đường Sơn La có công suất chế biến 5.000 tấn đường/ngày, cung cấp ra thị trường khoảng 60.000 tấn đường/năm, diện tích mía đường 9.000 ha. Tỷ lệ chuyển đổi đường sang mía của Công ty cao nhất cả nước, ở mức 114 kg đường/tấn mía (các doanh nghiệp khác là 100 kg đường/tấn mía), giúp hạ giá thành sản xuất.

Tại Lasuco, Công ty có quy mô sản xuất đứng thứ ba cả nước, với hai nhà máy, công suất khoảng 7.000 tấn/ngày, diện tích trồng mía 15.000 ha và chiếm 10% thị phần đường cả nước.

Từ tháng 8/2022, Bộ Công Thương chính thức thực hiện biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với mức thuế 4,64% đối với sản phẩm mía đường có xuất xứ từ Thái Lan được nhập khẩu từ 5 nước ASEAN. Biện pháp này đã bắt đầu bảo vệ các công ty mía đường trong nước và đẩy giá đường trong nước tăng cao. Thời gian tới, giá đường trong nước được dự đoán sẽ hạ nhiệt nhưng vẫn tiếp tục ở ngưỡng trên 16.000 đồng/kg.

Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp mía đường trong niên độ 2022-2023 có sự đóng góp không nhỏ từ giá đường thế giới tăng cao và chính sách chống bán phá giá đường vào Việt Nam, nhưng việc bảo hộ ngành đường khó có thể duy trì trong thời gian dài. Do đó, doanh nghiệp mía đường cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường nội địa.

BCT