Kyodo News đưa tin, trích dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu Teikoku
Databank, trong đó có khoảng 72 công ty đóng cửa với số nợ phải trả lên tới hơn
10 triệu yên (64.400 đô la Mỹ) vào năm ngoái, tăng 30% so với năm 2023.
Khoảng 34% trong số 350 doanh nghiệp mì ramen được công ty khảo sát báo cáo
hoạt động thua lỗ trong năm tài chính 2023, diễn ra từ ngày 1 tháng 4 năm 2023
đến ngày 31 tháng 3 năm 2024.
Mì ramen, một loại mì được yêu thích của Nhật Bản, được coi là bữa ăn giá rẻ,
đặc biệt phổ biến với những người có thu nhập thấp, sinh viên và người trẻ, dù
là bữa trưa nhanh hay bữa ăn khuya.
Nhưng chi phí để làm những bát mì giá cả phải chăng này đã tăng lên khi các
chủ cửa hàng mì ramen báo cáo rằng giá của hầu hết mọi nguyên liệu, bao gồm thịt,
rong biển, hành lá và thậm chí cả nước tương, đều tăng.
Chi phí năng lượng cũng là một thách thức, vì các cửa hàng mì ramen cần ninh nước dùng trong nhiều giờ để tạo ra hương vị đậm đà, thường đòi hỏi họ phải bật điện liên tục.
Với hơn 90% nguồn cung cấp năng lượng của Nhật Bản phải nhập khẩu, tình trạng
gián đoạn toàn cầu, chẳng hạn như do xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine,
đã tác động lớn đến chi phí năng lượng.
“Không chỉ tốn tiền gas để nấu ăn mà còn tốn tiền điện. Việc bật máy điều
hòa là điều cần thiết vì trời rất nóng vào mùa hè. Vì vậy, chúng tôi đang sử dụng
rất nhiều năng lượng”, Tetsuya Kaneko, chủ sở hữu 44 tuổi của nhà hàng mì ramen
Mendokoro Isshou ở Tokyo, nói với tờ The Washington Post.
Ông cho biết: “Tôi nghĩ mọi người trong ngành đều đang gặp khó khăn”, đồng
thời lưu ý rằng mức tăng giá trong vài năm qua là “không thể tin được”.
Mặc dù chi phí tăng cao, Teikoku Databank báo cáo rằng giá trung bình của một
bát mì ramen vẫn dưới 700 yên.
Một số quán mì ramen đã tăng giá, nhưng mức chi tiêu trung bình của khách
hàng tại những cơ sở này vẫn thấp hơn so với các nhà hàng khác.
Theo Fuji Keizai, một công ty nghiên cứu khác, chi tiêu trung bình của mỗi
khách hàng tại các cửa hàng mì ramen ước tính là 880 yên vào năm 2023, so với
1.360 yên tại các nhà hàng gia đình và 1.190 yên tại các nhà hàng sushi băng
chuyền.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn ngần ngại tăng giá lên gần hoặc trên 1.000
yên, một động thái mà họ tin rằng có thể làm tổn hại đến danh tiếng của mì
ramen như một lựa chọn phải chăng và có khả năng khiến khách hàng quay lưng.
Một số nhà hàng tăng giá cho biết khách hàng của họ không có phản ứng tích
cực.
Takatoyo Sato, 52 tuổi, quản lý cửa hàng mì Menkoi Dokoro Kiraku tại khu
thương mại Shimbashi của Tokyo, cho biết lượng khách hàng đã giảm sau khi giá
mì shoyu ramen tăng từ 780 yên năm 2021 lên 950 yên vào tháng 5 năm ngoái. "Mọi người không nói ra, nhưng họ nghĩ
rằng đó chỉ là mì ramen - quan điểm đó sẽ thay đổi", ông nói.
Một số chủ cửa hàng quyết định tăng giá lên trên 1.000 yên và duy trì chất
lượng cao để thu hút khách hàng quay lại, trong khi những người khác đã chuyển
đến vùng ngoại ô, nơi lợi nhuận tăng lên so với các khu vực thành thị có giá
thuê đắt đỏ.
Đối với những người đam mê mì ramen, một số người đã thích nghi với mức giá
1.000 yên.
Yuya Henmi, một nhân viên IT 28 tuổi đến từ Tokyo, cho biết anh sẽ chấp nhận
mức giá cao hơn cho một tô mì ramen ngon và thậm chí sẽ chi tới 2.000 yên cho một
tô mì đặc biệt. "Nhưng đối với một tô mì ramen thông thường không có
topping, tôi nghĩ 1.500 yên là mức giá tối đa", anh nói thêm.
Teikoku Databank dự đoán rằng tình trạng đóng cửa các cửa hàng mì ramen ở
Nhật Bản có thể tiếp tục diễn ra trong năm nay, khi các doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ
ngần ngại điều chỉnh giá thực đơn hơn so với các chuỗi lớn.
Sato hy vọng chi phí sẽ không tăng thêm nữa trong năm nay vì khách hàng vẫn
chưa sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn.
Trong khi đó, Kaneko của Mendokoro Isshou muốn giữ lại sức hấp dẫn truyền
thống của ramen. “Ramen luôn là món ăn
chính của những người có thu nhập thấp hoặc sinh viên và người trẻ tuổi nên tôi
không nhất thiết muốn ramen trở thành thứ gì đó ngoài tầm với của họ”.
ttblac