Trong đó, Bộ đề xuất điều chỉnh thẩm quyền và phạm vi quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy của Cảng vụ thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và cảng vụ địa phương.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đề xuất bổ sung quy định Cảng vụ thuộc Sở Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý tại các cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia được Bộ Giao thông vận tải phân cấp quản lý.

Bên cạnh đó, Cảng vụ thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng sẽ thực hiện chức năng quản lý cảng, bến thủy nội địa (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu đã được công bố, cấp phép hoạt động trên đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nay, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có 4 cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc quản lý 231/298 cảng và hơn 3.000 bến thủy nội địa nằm trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Tình trạng bến thủy nội địa hoạt động không phép, hết hạn hoạt động còn tồn tại (có 1.506/8.023 bến thủy nội địa không phép, chiếm tỷ lệ 19%), nguyên nhân do công tác kiểm tra xử lý vi phạm bến thủy nội địa hoạt động không phép chưa quyết liệt, triệt để, đặc biệt là vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện ủy quyền công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa cho một số địa phương như: Quảng Ninh, TPHCM và một số tỉnh miền Trung… Việc thực hiện công tác ủy quyền nêu trên tạo sự chủ động cho các địa phương trong thực hiện, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống thiên tai; giảm bớt gánh nặng công việc cho các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, để tập trung nguồn lực, thời gian cho xây dựng cơ chế, chính sách trong công tác quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn tồn tại, vướng mắc về pháp luật, đặc điểm, nguồn lực của địa phương, một số địa phương không thành lập Cảng vụ đường thủy nội địa đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên tuyến đường thủy nội địa địa phương như Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh....

Để khắc phục những khó khăn nêu trên, nhằm phát huy trách nhiệm của chính quyền địa phương, huy động nguồn lực của các địa phương, đa dạng hóa phương thức quản lý chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, theo Bộ Giao thông vận tải, việc phân cấp công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa cho các địa phương có đủ năng lực, điều kiện tiếp nhận thực hiện là cần thiết.

Tuệ Văn - BCP