Năng suất lao động, hiệu suất và sự linh hoạt của vận hành đang được xem là rào cản lớn nhất cho các doanh nghiệp sản xuất chế tạo tham gia hiệu quả trong các chuỗi cung ứng toàn cầu trong môi trường kinh doanh dẫn dắt bởi khách hàng, sản phẩm đa dạng chủng loại với sản lượng nhỏ và vòng đời ngắn.

Vấn đề cơ bản này của sản xuất cần được nhanh chóng giải quyết một cách căn bản và hiệu quả để sẵn sàng cho những làn sóng thách thức mới trong tương lai gần về môi trường, xã hội và quản trị nội bộ (ESG). Bên cạnh đó, tối ưu hóa trong vận hành sản xuất còn là tiền đề quan trọng cho thành công của các nỗ lực số hóa, chuyển đổi số của các doanh nghiệp sản xuất trong tương lai.

Với xu hướng tăng trưởng cao được dự báo cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo những năm tới các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất tốt cho phát triển. Tuy nhiên, các thách thức ở trên cũng tạo ra xu hướng phân hóa mạnh mẽ mà ở đó sẽ có các doanh nghiệp phát triển vượt bậc nhờ giải quyết hiệu quả các thách thức ở trên và nắm bắt tốt các cơ hội; nhiều doanh nghiệp không bắt kịp xu thế sẽ không phát triển được và bị đào thải.

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu các chương trình cải tiến theo hướng quản trị tinh gọn nhưng còn rời rạc, thiếu đi tiếp cận tổng thể với một chiến lược nhất quán về cải tiến vận hành hướng đến mục tiêu tăng năng suất hằng năm ở mức 2 con số.

Nhằm cải thiện những điều này, mới đây Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã chính thức ra mắt “Sáng kiến mạng lưới doanh nghiệp chuyển đổi LEAN”.


Mục đích của sáng kiến là hình thành một mạng lưới nhỏ (7 - 10) doanh nghiệp có năng lực chuyển đổi LEAN mạnh mẽ để đạt được tăng năng suất hằng năm ở mức 2 con số, phát triển năng lực quản trị - cải tiến vận hành bền vững cùng với đội ngũ nhân sự ổn định, có khả năng thích nghi và dẫn dắt thay đổi. Các thành viên của mạng lưới sẽ đóng vai trò như là những hạt nhân, dẫn dắt phát triển năng lực các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản xuất.

Các thành viên tham gia đều thuộc khối tư nhân, 100% vốn Việt Nam với quy mô nhân sự nhỏ hơn 1.000 người và doanh số không vượt quá 1.000 tỷ VND/năm. Các doanh nghiệp thành viên sẽ hoạch định và thực hiện chương trình chuyển đổi Lean và các chuyên đề cải tiến thành phần dưới sự hướng dẫn của các Cố vấn thuộc chương trình, tham gia cuộc họp hằng tháng để chia sẻ kết quả, kinh nghiệm và thảo luận các vấn đề phát sinh, tham gia buổi hội thảo hằng tháng về các chủ để liên quan đến quản trị vận hành sản xuất và phát triển năng lực cạnh tranh doanh nghiệp sản xuất.

Các doanh nghiệp thành viên cũng sẽ tổ thức và tham gia các chuyến thăm nhà máy và trao đổi kinh nghiệm tại hiện trường của các doanh nghiệp thành viên và doanh nghiệp điển hình khác.

Theo Thu Thủy – BCT