Theo số liệu thống kê của TCTK mới đây công bố Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý IV năm 2021 là 50,7 triệu người, tăng khoảng 1,7 triệu người so với quý trước và giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,8 triệu người và lực lượng lao động nữ tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nam (0,9 triệu người so với 0,8 triệu người). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động giảm mạnh ở khu vực nông thôn (giảm gần 2,2 triệu người) và giảm chủ yếu ở nam giới (giảm khoảng 0,8 triệu người).


Lực lượng lao động các quý, năm 2020 và 2021 (Đơn vị tính: Triệu người)

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV năm 2021 là 67,7%, tăng 2,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 61,6%, thấp hơn 12,7 điểm phần trăm so với nam (74,3%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,3%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 69,3%. Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở hầu hết các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 32,7%; nông thôn: 46,6%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 34,5%; nông thôn: 45,2%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV năm 2021 là 26,1%, không thay đổi so với quý trước và cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số 24,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý IV năm 2021, có 13,2 triệu người trong độ tuổi lao động, tập trung nhiều nhất ở nhóm 15-19 tuổi (gần 5,5 triệu người).

Số người có việc làm

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV năm 2021 là 49,1 triệu người, tăng 1,82 triệu người so với quý trước và giảm 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 17,9 triệu người, tăng 890,1 nghìn người so với quý trước và tăng 498,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; số có việc làm ở nông thôn là 31,1 triệu người, tăng 934,5 triệu người so với quý trước và giảm 2,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

 Trong quý IV năm 2021, sau khi phủ rộng vắc xin mũi 2 và các biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng, nền kinh tế đã có tín hiệu phục hồi. Lao động có việc làm trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,8 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với quý trước và giảm 239,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực dịch vụ là 17,9 triệu người, tăng 762,5 nghìn người so với quý trước và giảm 1,9 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 14,3 triệu người, giảm 120,9 nghìn người so với quý trước và tăng 361,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý IV năm 2021 là 55,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 47,8%, tăng 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 61,5%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

So với quý III năm 2021, số lao động có việc làm phi chính thức là 19,4 triệu người, tăng 1,3 triệu người, tương ứng tăng 7,4%; cao gần gấp 2 lần mức tăng của lao động có việc làm. (Lao động có việc làm quý IV năm 2021 là 49,1 triệu người, tăng 1,8 triệu người, tương ứng tăng 3,9% so với quý trước). Như vậy, sau cơn bão đại dịch, nhiều người lao động đã quay trở lại thị trường và có việc làm nhưng đó phần nhiều là việc làm phi chính thức, với đặc trưng công việc là bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác. Rõ ràng, thị trường lao động có sự phục hồi nhưng sự phục hồi này chưa thật bền vững.

Lao động thiếu việc làm

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý IV năm 2021 là gần 1,5 triệu người, giảm 381,1 nghìn người so với quý trước và tăng 635,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý IV năm 2021 là 3,37%, giảm 1,09 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,55 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 4,06% và 2,95%). Đây là quý thứ 3 liên tiếp thị trường lao động chứng kiến tình trạng tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Tình trạng này trái ngược với xu hướng thị trường lao động trong những năm trước đại dịch Covid-19.


Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động, các quý năm 2020 và 2021

Thu nhập bình quân tháng của người lao động

Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV năm 2021 là 5,3 triệu đồng, tăng 139 nghìn đồng so với quý trước và giảm 624 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,4 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (6,2 triệu đồng so với 4,4 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,3 lần (6,3 triệu đồng so với 4,8 triệu đồng).

So với quý III, quý đã chứng kiến mức thu nhập thấp nhất chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, sang quý IV mức thu nhập bình quân của người lao động đã được cải thiện hơn (tăng 139 nghìn đồng/người/tháng). Tuy nhiên, diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến đời sống của người lao động, so với cùng kỳ năm 2020 mức thu nhập của người lao động sụt giảm nghiêm trọng (giảm 624 nghìn đồng/người/tháng).

 Thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế so với quý trước. Người lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân tăng cao nhất, với mức thu nhập là 5,9 triệu đồng/người/tháng, tăng 130 nghìn đồng, tương ứng tăng 2,2% so với quý trước. Lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức thu nhập bình quân là 3,4 triệu đồng, tăng 72 nghìn đồng, tương ứng tăng 2,1%. Lao động khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân là 6,3 triệu đồng, tăng 108 nghìn đồng, tương ứng tăng 1,7%.


Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo khu vực kinh tế, các quý năm 2020 và năm 2021 (Đơn vị tính: Triệu đồng)

Nguồn : gso.gov.vn