Theo RT đưa tin mới đây, động thái của nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới - Indonesia có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn cung xuất khẩu dầu thực vật toàn cầu vốn đã bị cắt giảm do sản lượng thấp kể từ năm ngoái.

Những người tiêu dùng sử dụng nhiều dầu ăn ở các khu vực như Nam Á và Châu phi có thể sẽ phải trả chi phí nhiều hơn khi sử dụng các sản phẩm này khi dự báo nhu cầu nguồn cung dầu cọ sụt giảm trong khi chính phủ Indonesia áp dụng chỉ thị B35 về việc quy định các loại dầu diesel được bán ở quốc gia này từ ngày 1 tháng 2 tới đây phải chứa 35% este metyl – một thành phần sinh học có nguồn gốc từ cọ.


Các hạn chế xuất khẩu của Indonesia và việc sử dụng nhiều hơn các loại cây trồng để sản xuất nhiên liệu sinh học là một thách thức khác đối với các nước nhập khẩu lương thực đang chịu thiệt hại do lạm phát tăng cao vào năm ngoái, đẩy giá các mặt hàng chủ lực như lúa mì, ngô và đậu nành lên mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Oscar Tjakra – 1 nhà phân tích cấp cao về nghiên cứu kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm tại Rabobank, cho biết: “Việc thực hiện chỉ thị B35 ở Indonesia vào năm 2023 chắc chắn sẽ tác động đến nguồn cung dầu cọ trên toàn cầu”.

Theo đó tỷ lệ 35% thành phần là nhiên liệu sinh học trong các sản phẩm xăng dầu được cho là 1 con số tương đối lớn so với các quốc gia đang áp dụng, chẳng hạn như so với Malaysia, tỷ lệ này chỉ ở mức 20%.

Hiệp hội các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học Indonesia cho biết việc áp dụng quy định mới B35 có thể khiến sản lượng tiêu thụ dầu cọ năm nay của Indonesia sẽ đạt con số khoảng 11,44 triệu tấn, tăng mạnh so với 9,6 triệu tấn vào năm 2022 khi áp dụng chỉ thị B30 của nước này.

Indonesia hiện là nhà sản xuất tới hơn nửa nguồn cung dầu cọ toàn cầu, được cho là cũng đang thắt chặt các quy tắc thương mại trong năm nay khi chỉ cho phép các nhà xuất khẩu chỉ được bán 6 lần khối lượng bán ra trong nước, thấp hơn con số 8 lần trong quý 4/2022.

Fadhil Hasan - một quan chức của Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI) chia sẻ: “Xuất khẩu dầu cọ của Indonesia chắc chắn sẽ giảm do sản lượng giảm, và tiêu thụ nội địa tăng”.

Theo ước tính của GAPKI, Indonesia đã sản xuất 51,3 triệu tấn dầu cọ vào năm 2022 và xuất khẩu 33,7 triệu tấn. Năm 2023, sản lượng dầu cọ dự kiến ​​đạt 50,82 triệu tấn và xuất khẩu đạt 26,42 triệu tấn.

Trong khi đó Malaysia – quốc gia sản xuất dầu cọ đứng thứ 2 thế giới, hôm thứ 5 cũng cho biết họ có thể ngừng xuất khẩu dầu cọ sang Liên minh châu Âu để đáp lại luật mới của EU nhằm bảo vệ rừng bằng cách kiểm soát chặt chẽ việc bán sản phẩm này.

Theo Tổng Giám đốc Ủy ban Dầu cọ của Malaysia - Ahmad Parveez Ghulam Kadir cho biết giá dầu cọ tương lai dự kiến ​​nằm trong khoảng 920-970 USD/tấn trong năm nay.

Một yếu tố được cho là mối đe dọa khác đối với nguồn cung cấp dầu ăn trong năm nay được cho là việc hạn hán tồi tệ nhất xảy ra ở Argentina trong 60 năm qua, được dự báo sẽ làm giảm sản lượng đậu tương của nước này xuống còn 41 triệu tấn, giảm so với mức 48 triệu tấn ước tính trước đó. Trong khi đó nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ trong tháng 12 năm ngoái đã tăng 94% so với một năm trước đó.

Theo RT