Vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu
khí
Nghị định quy định rõ về vốn đầu tư ra nước
ngoài trong hoạt động dầu khí. Theo đó, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt
động dầu khí gồm tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ
sở hữu, vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài, chi phí thu hồi, lợi nhuận
và các khoản được chia từ dự án dầu khí ở nước ngoài được giữ lại để thực hiện
đầu tư ở nước ngoài.
Tiền và tài sản hợp pháp khác gồm: Ngoại tệ
trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép hoặc mua tại tổ chức tín dụng được
phép theo quy định của pháp luật; đồng Việt Nam phù hợp với pháp luật về quản
lý ngoại hối của Việt Nam; máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu,
hàng hóa thành phẩm, hàng hóa bán thành phẩm; giá trị quyền sở hữu trí tuệ,
công nghệ, thương hiệu, quyền đối với tài sản; cổ phần, phần vốn góp, dự án của
nhà đầu tư được hoán đổi tại tổ chức kinh tế ở Việt Nam và tổ chức kinh tế ở nước
ngoài; các tài sản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật dân sự.
Vốn đầu tư ra nước ngoài được dùng để góp
vốn, thanh toán tiền mua cổ phần, mua phần vốn góp, thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
phát sinh (nếu có) và các nghĩa vụ tài chính khác của nhà đầu tư theo quy định
của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, hợp đồng dầu khí, giấy phép và các thỏa
thuận liên quan khác để thực hiện hoạt động dầu khí, dự án dầu khí ở nước ngoài
từ khi hình thành dự án đến khi kết thúc dự án và hoàn thành tất cả các nghĩa vụ
theo quy định. Các khoản vốn đã chuyển ra nước ngoài, khi được thu hồi và chuyển
về nước thì không tính vào vốn đã chuyển ra nước ngoài.
Nhà đầu tư Việt Nam được dùng cổ phần, phần
vốn góp hoặc dự án đầu tư của nhà đầu tư đó tại Việt Nam để thanh toán hoặc
hoán đổi cho việc mua cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án dầu khí của tổ chức kinh
tế ở nước ngoài. Trong trường hợp này, nhà đầu tư Việt Nam thực hiện thủ tục cấp
giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trước, sau đó nhà đầu tư nước
ngoài thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Nhà đầu tư có thể sử dụng một công ty điều
hành để quản lý một hoặc nhiều dự án dầu khí ở nước ngoài
Theo Nghị định quy định, để thực hiện hoạt
động hình thành dự án dầu khí ở nước ngoài hoặc triển khai dự án dầu khí ở nước
ngoài, nhà đầu tư được phép thành lập hoặc tham gia thành lập công ty điều hành
tại Việt Nam, tại nước tiếp nhận đầu tư hoặc tại nước thứ ba theo quy định pháp
luật của nước tiếp nhận đầu tư, hợp đồng dầu khí.
Trường hợp nhà đầu tư quyết định thành lập công ty điều hành nhằm mục đích thay mặt nhà đầu tư tham gia hoặc triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài, công ty điều hành và nhà đầu tư sẽ được ghi tên trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Công ty điều hành được sử dụng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để phục vụ các hoạt động liên quan đến triển khai dự án dầu khí.
Nhà đầu tư có thể sử dụng một công ty điều
hành để quản lý, điều hành một hoặc nhiều dự án dầu khí ở nước ngoài phù hợp với
quy định của nước tiếp nhận đầu tư. Chi phí đối với từng dự án dầu khí phải được
phân bổ, hạch toán độc lập.
Chuyển nhượng dự án dầu khí ở nước ngoài
Nghị định cũng quy định về chuyển nhượng dự
án dầu khí ở nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư được chuyển nhượng một phần hoặc
toàn bộ dự án dầu khí ở nước ngoài phù hợp quy định của hợp đồng dầu khí, thỏa
thuận, giấy phép liên quan, pháp luật nước tiếp nhận đầu tư và các quốc gia có
liên quan và quy định tại Nghị định này. Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự
án dầu khí ở nước ngoài là cấp có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng dự
án.
Trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án dầu
khí ở nước ngoài cho nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều
chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 63 Luật
Đầu tư. Trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án dầu khí ở nước ngoài cho nhà đầu
tư nước ngoài, nhà đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận
đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 64 Luật Đầu tư.
Trường hợp việc chuyển nhượng dự án dầu
khí ở nước ngoài phát sinh lợi nhuận, nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính tại
Việt Nam theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật có liên quan và Hiệp định
tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh
vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày
05/12/2024 và thay thế Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017 của Chính phủ
quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.
Theo BCP