Hiện nay,
quan điểm của tỉnh là thu hút đầu tư vào các KCN phải chọn lọc và hướng tới những
dự án chất lượng cao để phát triển bền vững.
Ảnh hưởng
trong ngắn hạn
Theo số liệu
thống kê của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn
tỉnh có 32 KCN được thành lập với diện tích hơn 10,2 ngàn ha, trong đó 31 KCN
đang hoạt động và 1 KCN đang trong quá trình bồi thường, thu hồi đất và xây dựng
hạ tầng. Nếu hoàn thành hạ tầng các KCN sẽ có hơn 7,1 ngàn ha đất cho thuê,
nhưng đến nay diện tích đất cho thuê là hơn 5,9 ngàn ha. Diện tích còn lại khoảng
1,1 ngàn ha nhưng chưa bồi thường xong nên không thể xây dựng hạ tầng cho doanh
nghiệp (DN) thuê.
Thực tế quỹ
đất sẵn sàng cho thuê khoảng 237ha, nhưng không liền mạch, rời rạc, khó đáp ứng
quy mô diện tích của các nhà đầu tư. Diện tích đất công nghiệp chờ mặt bằng khoảng
800ha, do đó diện tích đất dành cho các dự án đầu tư trong khoảng thời gian tới
là rất hạn chế. Đây là vấn đề nhiều công ty hạ tầng KCN kiến nghị giải quyết
nhiều năm chưa xong và có những KCN bồi thường giải phóng mặt bằng đã lâu vẫn
chưa hoàn thành.
Theo Phó
trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Phạm Văn Cường, trong quy hoạch
các KCN trên địa bàn cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai đã được
chấp thuận chủ trương xây dựng thêm các KCN mới và được bổ sung với diện tích đất
công nghiệp hơn 8,6 ngàn ha. Tuy nhiên, vấn đề là thủ tục chấp thuận chủ trương
đầu tư kinh doanh dự án hạ tầng KCN, lựa chọn nhà đầu tư dự án lại rất phức tạp,
kéo dài, nếu không sớm được tháo gỡ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút
đầu tư chung của tỉnh, nhất là thu hút các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI).
Năm 2022, các KCN đặt ra mục tiêu thu hút 50ha đất cho thuê, song chỉ đạt khoảng 24ha. Năm 2023, chỉ tiêu đất cho thuê tại các KCN cũng khiêm tốn ở mức 35ha. Điều này một phần do khó khăn của kinh tế thế giới, nhưng một phần cũng là do số diện tích đất “sạch” hiện hữu rất khó để đáp ứng được nhu cầu thuê đất của các nhà đầu tư. Một số dự án lớn dù ban đầu ưu tiên lựa chọn Đồng Nai nhưng sau đó do thiếu quỹ đất buộc phải di chuyển khu vực đầu tư sang các địa phương khác.
Ưu tiên phát
triển bền vững
Tại nhiều
cuộc họp về phát triển kinh tế - xã hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, thước đo đánh giá sự thành công của địa phương hiện
nay là sự lớn mạnh của cộng đồng DN. Với Đồng Nai, tương lai hướng tới phát triển
theo chiều sâu, công nghệ cao. Do vậy, để phát triển bền vững, Đồng Nai không
nhất thiết phải thu hút đầu tư bằng mọi giá, điều này đối với địa phương rất dễ
để thực hiện nhưng về lâu về dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững.
Theo Bí
thư Tỉnh ủy, với cùng một diện tích cho thuê, phải làm sao thu hút được các dự
án có hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao để tạo ra giá trị gia tăng cao, tăng nguồn
thu ngân sách nhà nước. “Nếu thu hút dự án vốn lớn nhưng giá trị thấp, công nghệ
ảnh hưởng đến môi trường và ít mang lại nguồn thu cho ngân sách thì không thể
hiện được vị thế của địa phương đó” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định
điều này khi chia sẻ những kinh nghiệm với đoàn công tác của tỉnh Nghệ An đến học
hỏi kinh nghiệm thu hút đầu tư vào đầu tháng 2 vừa qua.
Đồng Nai với
lợi thế có sân bay, cảng biển, hệ thống đường cao tốc và một khu vực phát triển
tiềm năng sẽ không sợ thiếu nhà đầu tư mà quan trọng là phải tạo ra môi trường
chất lượng cho các dự án tương xứng với tiềm năng, vị thế của tỉnh.
Cùng quan
điểm về phát triển bền vững, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đây là xu
thế phát triển chung. Thời gian tới, Đồng Nai sẽ hướng tới phát triển kinh tế
xanh, thân thiện môi trường, chuyển hướng thu hút đầu tư, thay đổi từ lượng
sang chất, có sự chọn lọc kỹ hơn. Tới đây, trong quy hoạch, phát triển KCN, Đồng
Nai sẽ tính toán kỹ lưỡng để hướng đến nền công nghiệp xanh.
Văn Gia - BĐN