Mục tiêu hướng tới nhằm từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ nhanh, toàn diện và bền vững, cụ thể 6 lĩnh vực ưu tiên này bao gồm:

Sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác, khuôn mẫu, phụ tùng, linh kiện máy móc thiết bị: Đây là ngành công nghiệp quan trọng và phù hợp ưu tiên hỗ trợ phát triển. Nhu cầu về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của nhóm ngành này trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và thị trường cả nước là rất lớn và được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tới, nhằm phục vụ cho các dự án lớn trong các lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, điện - điện tử, dệt may - da giầy, vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, công nghiệp công nghệ cao...

Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử - tin học - viễn thông: Là lĩnh vực cần được ưu tiên vì đây là ngành công nghệ cao phục vụ cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nên về dài hạn phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành này là hết sức cần thiết. Điện tử - tin học - viễn thông là 3 lĩnh vực công nghiệp riêng biệt nhưng lại có mối liên hệ hết sức chặt chẽ với nhau, có thể ưu tiên phát triển ở cả 3 bước công nghệ gồm: Công nghệ vật liệu chủ yếu là các vật liệu cho sản xuất các thiết bị điện - điện tử; Công nghệ chế tạo phát triển sản xuất linh kiện điện tử, chi tiết nhựa; Công nghệ lắp ráp cụm tập trung vào các khung vỏ sản phẩm, bảng mạch điện tử ... phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, nhất là vật liệu điện tử. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ như Công nghệ hàn; Công nghệ phun, điều chế cho ngành điện, điện tử và vi mạch; Công nghệ kết nối ACF (phim dẫn điện dị hướng cùng các thiết bị, vật liệu cho ngành điện tử), vi mạch bán dẫn, điện tử, tin học...

Công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và vật liệu mới: Dựa vào tiềm năng và nhu cầu thị trường hiện có cũng như trong tương lai gần, việc phát triển sản xuất các sản phẩm vật liệu mới, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao, cũng như phát triển hệ thống các doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo Quyết định 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các 4 ngành này; hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử. Ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất vật liệu chế tạo như thép chế tạo chất lượng cao, thép không gỉ, thép lá điện từ, vật liệu điện tử, nhựa cao su, composit, gốm phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao và các ngành công nghiệp chế tạo.

Lĩnh vực sản xuất bao bì, đóng gói: Đây là lĩnh vực có tiềm năng của địa phương để phát triển và tạo sức cạnh tranh nên cần tạo điều kiện ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm vật liệu mới, bao bì cao cấp, vật liệu tự phân hủy...sử dụng cho quá trình đóng gói, hoàn tất sản phẩm cho nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn khác nhau như: Dệt may-da giày (túi đựng sản phẩm, móc áo, các loại bìa lót áo, giấy chống ẩm, khoanh cổ, nơ cổ và thùng caton, sóng nhiều lớp, các loại cài, kẹp nhựa...); sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng; vật liệu xây dựng (bao bì xi măng, bao bì gạch Granite); công nghiệp đồ uống,… Sản xuất phụ gia hạt nhựa đang có xu hướng phát triển mạnh nhờ lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có là bột đá trắng siêu mịn được cung cấp từ các doanh nghiệp chế biến khoáng sản trên địa bàn.

Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da-giày: Là nhóm ngành cần thiết phải có công nghiệp hỗ trợ để phát triển vì hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án may mặc đầu tư và nhu cầu thay thế nguyên phụ liệu từ nhập khẩu các sản phẩm này rất lớn. Lĩnh vực sản xuất lựa chọn gồm: Sản xuất xơ, sợi - kéo sợi, dệt vải; Các thiết bị cơ khí gồm các chi tiết thiết bị, phụ tùng cơ khí thay thế trong qua trình vận hành bảo dưỡng, sản phẩm cơ khí sử dụng hỗ trợ cho công nghiệp dệt- may như: bánh răng, trục truyền động, các chi tiết dẫn sợi, suốt sắt kéo dài, các loại gá lắp, suốt chỉ, kéo cắt vải, kéo cắt chỉ...; Cúc các loại; Chỉ may, thêu các loại, nhãn mác, logo; khóa kéo; nút áo...; Nguyên liệu chính sản xuất giày dép như: Da thuộc, vải sợi bông, sợi tổng hợp, giả da, cao su, chất dẻo, nhóm các vật liệu nhân tạo dạng tấm có nguồn gốc từ xenlulô..; Nguyên liệu phụ; Công cụ, dụng cụ.

Sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ du lịch, dịch vụ, nội thất và đồ gia dụng: Tỉnh Phú Thọ được biết đến là tỉnh có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ như Đền hùng, Đầm Ao Châu, nước khoáng nóng Thanh Thủy...; là tỉnh có nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tương đối lớn. Bên cạnh đó, hiện nay nhu cầu về các sản phẩm quà lưu niệm, đặc sản địa phương, đồ gỗ, trang trí nội thất...trên thị trường cả trong nước và quốc tế là rất lớn. Trong khi đó khả năng sản xuất, cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu thị trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn yếu và thiếu. Do đó, ưu tiên hỗ trợ để phát triển sản xuất các sản phẩm thuộc nhóm ngành là cần thiết và đúng hướng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh toàn diện và bền vững.

Nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ

Với ưu thế là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm miền núi phía Bắc và là cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Đồng bằng sông Hồng, Phú Thọ đang trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư trong khu vực các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài mở ra nhiều tiềm năng về phát triển công nghiệp hỗ trợ tại đây.

Trên địa bàn tỉnh có 250 cở sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Các nhóm ngành chủ yếu về dệt may; da giày; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; cơ khí, cơ khí chế tạo; sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải; hóa chất – phân bón; thiết bị điện – điện tử; chế biến gỗ – giấy; chế biến thực phẩm – đồ uống; chế biến nông sản…

Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là mặc dù tiềm năng sử dụng và cung ứng các sản phẩm hỗ trợ tại tỉnh Phú Thọ và các địa phương lân cận khá cao, nhưng hầu hết doanh nghiệp đều mới chỉ dừng lại ở một số sản phẩm hay dịch vụ cơ bản. Bên cạnh đó, các hoạt động công nghiệp còn khá yếu kém và cũng đang trong quá trình phát triển. Các nguyên liệu chính như sắt thép, cao su, hóa chất, kim loại, năng lượng được sản xuất chủ yếu tại các vùng khác, làm cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp nhỏ và vừa khá cao.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoạt động hiệu quả, tỉnh Phú Thọ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý, yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất. Đồng thời, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ sẽ góp phần tăng 20 -25% tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế GRDP của tỉnh.

Hải Miên - CTTĐTBCT